Tại hội thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 3/12, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đã đề xuất, từ năm 2014 đến năm 2030 cần có 69 tượng đài. Hiện Hà Nội đã có 34 tượng đài, do vậy, trong vòng 15 năm tới, sẽ xây thêm 35 tượng đài, trung bình mỗi tượng đài đầu tư 20 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính trung bình mỗi tượng đài xây 20 tỷ đồng, thì việc xây dựng 35 tượng đài mới tiêu tốn khoảng 700 tỷ đồng. Trước mắt trong vòng 5 năm tới sẽ xây dựng 10 tượng đài, ở mỗi quận huyện, mỗi cửa ô sẽ có một tượng đài. Điều này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng từ dư luận, cũng như từ phía các nhà nghiên cứu.

tuong_dai_1_voxl_dryp.jpg
Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội (ảnh: Huy Phương)

Trong cuộc họp chiều ngày 23/12, UBND thành phố Hà Nội khẳng định đó chỉ là ý kiến tư vấn của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia tại cuộc Hội thảo lấy ý kiến lần đầu của Sở VHTT&DL Hà Nội. Hiện dự thảo này chưa được cấp có thẩm quyền nào của Thành phố đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tiến hành quy hoạch hệ thống tượng đài, hội thảo lấy ý kiến lần đầu của Sở VHTT&DL Hà Nội và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia với tư cách là một cơ quan tư vấn. Đây không phải là chủ trương đã được thành phố thông qua.

“Thành phố cũng không có chủ trương xây dựng nhiều tượng đài, không chạy theo số lượng, không chạy theo bình quân mỗi cửa ô phải có một tượng đài, mỗi quận, mỗi huyện có một tượng đài. Thành phố không có chủ trương xây dựng những tượng đài có quy mô hoành tráng và tốn kém. Chúng tôi cũng khẳng định, dự thảo tư vấn của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Phong khẳng định.

Mặc dù vậy, UBND thành phố Hà Nội vẫn khẳng định, việc xây dựng Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước và khắc phục những hạn chế hiện có. Tuy nhiên, đây là một dự án quy hoạch đặc thù, chưa có tiền lệ, rất nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm và cũng là quy hoạch được đặt ra từ nhiều năm nay nên cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Sau khi nhận được các ý kiến của các cơ quan và cá nhân tại cuộc họp và trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Sở VHTT&DL Hà Nội đã yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến của cơ quan, cá nhân tại cuộc họp và dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời xác định lại tiêu chí để xây dựng quy hoạch tượng đài nhất là việc xây dựng tượng đài mới, cũng như xây dựng lộ trình phù hợp để đồ án quy hoạch có tính khả thi./.