Tranh tài tại giải đua ghe ngo ở cự ly 800 m và 1.200 m tại Trà Vinh kỳ này có 10 đội; trong đó có 4 đội tranh giải thành tích cao (giải mở rộng) giữa các đội của 4 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh và 6 đội tranh giải phong trào giữa các huyện, thị trong tỉnh. Cuộc đua diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt đậm chất lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer; trong tiếng nhạc ngũ âm hoà cùng tiếng loa phóng thanh bằng 2 thứ tiếng Việt- Khmer, tiếng hò reo của các cổ động viên đứng chật kín ven hai bên bờ sông Long Bình.
Về giải thành tích cao: Đội tỉnh Trà Vinh giành chức vô địch, đội Hậu Giang giành giải nhì và đội tỉnh Vĩnh Long giành giải ba ở cả hai cự ly 800 mét và 1.200 mét. Về giải phong trào: Đội thị xã Trà Vinh giành chức vô địch, đội Cầu Ngang đạt giải nhì ở cả hai cự ly 800 mét và 1.200 mét; giải ba ở cự ly 800 mét thuộc về huyện Cầu Kè và cự ly 1.200 mét thuộc về huyện Tiểu Cần.* Sóc Trăng: Tuần lễ Văn hoá Lễ hội Ok- om- bok - Đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng từ ngày 6 đến 12/11 đã kết thúc, với sự tham gia của các đội ghe nam, nữ từ các huyện, các chùa Khmer trên địa bàn và 5 đội ghe các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang. Kết quả: Đội nữ chùa Kostung của huyện Cù Lao Dung và đội nam của chùa Bốn Mặt (huyện Mỹ Tú) đoạt chức vô địch; hạng nhì thuộc về đội ghe của chùa Trà Quýt (huyện Mỹ Tú); hạng 3 và 4 thuộc về các đội Kostung huyện Cù Lao Dung và Xẻo Me của huyện Vĩnh Châu. Các đội đoạt chức vô địch năm nay được thưởng 20 triệu đồng; các đội hạng 2, 3, 4 được thưởng từ 8 đến 15 triệu đồng.
Năm nay là lần đầu tiên giải đua ghe Ngo có quy mô lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng và Đồng bằng sông Cửu Long với 10 đội nữ và 35 đội nam tham gia tranh tài với đường đua 1.200m của nam và 1.000m đối với nữ, đã thu hút hàng trăm ngàn đồng bào dân tộc Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khách du lịch trong cả nước. Lễ hội năm nay được nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia và là sự kiện thứ 3 của Sóc Trăng trong Năm Du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008 với chủ đề “Sông nước miệt vườn“. Trong thời gian Lễ hội đã có nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật thể dục thể thao dân tộc của đồng bào Khmer, các đoàn nghệ thuật đồng bào Chăm của tỉnh Ninh Thuận, Quan họ Bắc Ninh, Cồng chiêng Tây nguyên và Nhã nhạc cung đình Huế.
Bên cạnh đó Lễ hội còn tổ chức các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội của địa phương, ảnh nghệ thuật, hội thảo khoa học về bảo tồn bản sắc văn hoá-lễ hội dân tộc Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển... Đặc biệt là việc phục dựng 2 lễ hội của lễ hội Ok- om- bok cổ truyền là lễ cúng trăng và lễ thả đèn nước cũng như khôi phục lại các làng nghề truyền thống của 3 dân tộc Kinh- Khmer-Hoa trên địa bàn Sóc Trăng./.