Đọc lại bài 1:Di sản Hội An từng lao đao như Đường Lâm, Đồng VănCó thể nói Hội An (Quảng Nam) là thành phố du lịch với những quyết định, hướng đi đột phá, tiên phong, biến những điều tưởng như không thể thành có thể ... Bí quyết thành công của những đột phá mà chưa địa phương nào làm được như thế chính là sự đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân để giữ gìn di sản xanh và sạch.
Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông
Sau hơn 15 phút đi ca nô từ Cửa Đại, chúng tôi cập bến đảo Cù Lao Chàm - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Anh Christian Cao, một Việt kiều Úc trong đoàn đã rất ngạc nhiên khi nghe người hướng dẫn viên thông báo trên đảo không dùng túi ni lông. Còn đang băn khoăn thì anh được một tình nguyện viên là dân đảo tiến đến niềm nở đề nghị đổi túi ni lông anh đang dùng lấy một túi dứa khá xinh xắn. Đây là loại túi sinh thái tự hủy được phát miễn phí tạo điều kiện cho những du khách có thể nhanh chóng “nhập gia tùy tục”. “Thật là thú vị và tôi đã hiểu vì sao người ta gọi đây là Hòn ngọc xanh.” – anh Christian Cao bày tỏ.
Sau khi thăm quan, tắm biển và thỏa thích bơi lặn ngắm những rạn san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm, du khách được thưởng thức những món ăn đặc sản biển tươi ngon. Chúng tôi nhận thấy, nhân viên ở các nhà hàng này cũng rất có ý thức trong việc thu gom rác và phân loại cẩn thận sau khi phục vụ du khách.
Anh Christian Cao và chiếc túi dứa được phát |
Không rác, không túi ni lông, môi trường trong lành, con người thân thiện, hiền hòa đến nỗi anh chàng Việt kiều và cô bạn gái muốn đổi lịch trình để ở lại qua đêm trên biển Cù Lao Chàm.
Tại chợ nhỏ trên xã đảo Tân Hiệp, chúng tôi bắt gặp những phụ nữ xách giỏ nhựa đi chợ. Bà nội chợ Dương Thị Anh cho biết, người dân đã quen với việc xách giỏ nhựa đi chợ và đây là những chiếc giỏ được Thành Đoàn TP Hội An cấp miễn phí cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Nga một tiểu thương ở chợ cho biết, nếu khách không mang giỏ nhựa thì chị dùng túi giấy báo tự chế và lá chuối để đựng đồ nếu khách mua ít hàng. Còn khi khách mua nhiều thì chị dùng túi dứa tự hủy, giá mỗi túi dứa đắt hơn túi ni lông 2.000 đồng.
Tại một quán nước nhỏ ven biển, bà chủ quán chỉ về phía bờ cát và bảo, trước kia khi chưa cấm túi ni lông thì rác và túi ni lông cứ lềnh phềnh trên biển, sáng ra thì tấp vào bờ kèm theo mùi xú uế rất khó chịu. San hô bị chết nhiều vì bị quấn vào túi ni lông. Từ ngày chính quyền và người dân đồng lòng nói không với túi ni lông và rác bẩn thì bờ biển trở nên sạch sẽ, du khách đến nhiều hơn.
Người dân Cù Lao Chàm đã quen dùng giỏ nhựa để đi chợ |
Anh Ngô Văn Hai, cán bộ đội quản lý du lịch Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, việc kêu gọi không sử dụng túi ni lông được bắt đầu từ giữa năm 2009. Ban đầu khá khó khăn vì người dân chưa quen nhưng dần dà thấy được lợi ích thiết thực của việc này nên giờ ai cũng chấp hành và có ý thức tốt. “Bây giờ du khách có vứt rác hay dùng bao ni lông thì người dân cũng sẽ tự thu gom vào thùng rác và nhắc nhở nhẹ nhàng. Một chủ trương hay chính sách dù lớn hay nhỏ mà không có sự đồng thuận ủng hộ của người dân thì rất khó thành hiện thực.” - anh Ngô Văn Hai nói.
Với các giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái đặc sắc cùng sự chân thành và thân thiện của người dân, lượng du khách đến với Cù Lao Chàm mỗi năm một tăng. Năm 2012 đã có hơn 100.000 lượt khách thăm quan, tăng 34% so với năm trước. Dịch vụ kinh doanh phát triển mang lại nhiều nguồn lợi, làm giàu cho người dân địa phương.
Ô ng Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, người từng trực tiếp thuyết phục bà con nói không với túi ni lông và đứng giám sát tại chợ đảo nhắc nhở bà con mang giỏ nhựa đi chợ những ngày đầu khó khăn ấy, tâm sự: “Tôi cho rằng đây là vấn đề nhân quả. Khi trước san hô bị túi ni lông quấn vào và chết rất nhiều. Bây giờ san hô đã sống và mọc sát vào bờ tạo môi trường tự nhiên tuyệt vời. Bây giờ tôi ngẫm ra một điều rằng cuộc đời không phụ bạc ai cả. Khi anh ứng xử với tự nhiên một cách đàng hoàng thì tự nhiên cũng đáp trả lại đàng hoàng và nếu anh ứng xử phụ bạc thì tự nhiên cũng phụ bạc lại anh bằng thiên tai, bão lũ. Và con người sống với nhau cũng vậy…”.
Khi mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Và những chuyện chỉ có ở… Hội An
Có ở đâu trên dải đất hình chữ S này đã cấm được xe máy như Hội An. Xe máy giờ in sâu vào bộ não điều khiển của người Việt như là thiếu nó thì không thể di chuyển. Ấy thế mà chính quyền Thành phố Hội An đã thuyết phục được người dân dần bỏ đi xe máy trong phố cổ. Người dân bị thuyết phục bởi họ hiểu được giá trị của việc đi bộ trong phố cổ không có xe máy nó an bình như thế nào.
Trẻ con, du khách không gặp tai nạn giao thông trên đường. Ai đi xe máy có thể vì vội vã mà phóng vụt, bỏ qua những cửa hàng, nhưng khi du khách đi bộ họ sẽ thích được giao lưu với chủ hàng, những người dân và thong thả tìm hiểu được chiều sâu văn hóa của con người, di sản Hội An.
Du khách Mỹ học nấu món mỳ Quảng |
Có ở đâu trên dải đất hình chữ S này bị ngập lụt mà phố phường vẫn sáng điện, đèn lồng treo cao vẫn lung linh trước cửa như ở Hội An. Bởi người dân nơi đây đã quen làm du lịch ngày trong mùa lũ và điện đã được chính quyền thiết kế đặc biệt cho điều đó.
Chúng ta từng biết đến phong trào tắt điện trong sự kiện “Giờ Trái Đất” thì tại Hội An có nguyên một đêm phổ cổ không dùng điện, chỉ còn ánh sáng mờ ảo của trăng tròn trên cao, nến và đèn lồng lung linh dưới đất. Lúc đầu người dân cũng phản đối nhiều, nhưng đến Đêm rằm phố cổ lần thứ 4 thì họ đã hào hứng ủng hộ, không chỉ vì du khách kéo đến đông mà còn vì chính họ cũng ngỡ ngàng và vui mừng được sống trong bầu không khí lãng mạn phố cổ ngày xưa.
Nếu như ngay tại Thủ đô, rau húng làng Láng nổi tiếng thơm ngon nhờ chất đất đặc biệt giờ chỉ còn trong văn thơ và nỗi tiếc nuối của những kẻ sành ăn Hà Thành thì ở Hội An làng rau Trà Quế đã khẳng định thương hiệu của mình về rau sống thơm ngon và tự hào vì ngày càng có nhiều du khách Tây tìm đến để xin làm “nông dân trồng rau”.
Nhiều du khách nước ngoài tìm đến làng rau Trà Quế để xin làm “nông dân trồng rau”. |
Người ta có câu “phúc bất trùng lai”, nhưng ở Hội An là trùng lai. Nếu như phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1998 thì 10 năm sau đó Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Hai di sản thế giới, trong một địa phương, đều đã từng có lúc đứng trên bờ vực bị hủy hoại thì giờ đã trở thành một hình mẫu lí tưởng cho việc bảo vệ di sản và đầu năm nay đã được tạp chí Wanderlust - Tạp chí Du lịch của nước Anh - một Tạp chí chuyên ngành có tiếng trên thế giới bầu chọn đứng đầu trong top 10 thành phố yêu thích hàng đầu thế giới.
Nếu nhà văn Nguyên Ngọc từng nói Hội An “Bán sự yên tĩnh để làm giàu” thì Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự - tác giả của nhiều sáng kiến đột phá có lợi cho dân cho di tích cho rằng: “Để bán được sự yên tĩnh thì con người Hội An phải sống tử tế, tử tế trong ứng xử với di tích, quá khứ, tử tế trong ứng xử giữa con người với nhau, tử tế trong kinh doanh buôn bán”.
Sự tử tế giờ đã trở thành một giá trị gia tăng của mảnh đất bên bờ sông Hoài để sau 10 năm tham gia Công ước bảo vệ di sản của UNESCO, Hội An đã trở thành điển hình thành công trong việc giải bài toán bảo tồn và phát triển.
Chính sự tử tế đã tạo ra sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân và sự đồng lòng làm nên thành công của việc thực thi Công ước tại Hội An, tạo ra một không gian, một môi trường mà đi đến đâu du khách cũng thấy sự thân thiện, cảm nhận thích thú trong một khung cảnh lung linh như trong một câu chuyện cổ tích./.