Đến với đêm khai mạc “Lễ hội Quảng Nam –Hành trình di sản”, nhân dân Quảng Nam và du khách được chiêm ngưỡng 1 sân khấu huyền ảo, sân khấu “không sân khấu” hoà vào di tích, một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc đơn giản nhưng trang trọng. Còn đêm bế mạc với chủ đề “Khát vọng Thu Bồn” được tổ chức bên bờ sông Hoài thơ mộng, tái hiện cảnh sông nước vùng hạ lưu sông Thu Bồn, biểu hiện khát vọng hoà bình trong kháng chiến và khát vọng vươn tới tương lai giàu đẹp từ những tiềm năng của vùng đất quê hương.
Chương trình đêm bế mạc “Lễ hội Quảng Nam –Hành trình di sản” gồm 3 phần: “ Hoài niệm những làng quê- nơi dòng sông gặp biển”; “Hành trình di sản” và “Đôi bờ khát vọng”, tái hiện không gian thanh bình của một làng quê vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Dòng sông của đôi lứa hẹn hò, của cuộc sống lao động tảo tần với ruộng vườn, sông nước: “Trai chăm cày cuốc, thả lưới giăng câu- Gái dệt chiếu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa… Rừng dừa Bảy Mẫu gió miên man những khúc ru xanh giấc ngủ trẻ thơ… về một nhịp cầu của khát vọng kết nối những điểm du lịch văn hoá, sinh thái kỳ thú dọc con đường di sản miền Trung”.
Hơn 500 diễn viên chuyên và không chuyên của Hội An, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tham gia biểu diễn trong đêm bế mạc. Khác với 3 lễ hội trước, lễ hội lần thứ 4 này diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của nhiều vùng, miền, dân tộc trên cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên du khách và người dân xứ Quảng được gặp gỡ, giao lưu với các hoa hậu thế giới, được thưởng thức những lời ca, điệu múa, chương trình nghệ thuật đặc sắc của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào.
Trong 4 ngày, tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An diễn ra hàng chục hoạt động lễ hội độc đáo, mới lạ như liên hoan nghệ thuật dâ ca- dân vũ 3 miền, giao lưu văn hoá Mỹ Sơn-Vatphu, triển lãm Gốm Chu Đậu, tranh, ảnh về Hội An và Mỹ Sơn; Chương trình “Xe cổ với hành trình di sản”, cuộc đua thuyền truyền thống trên sông Thu Bồn, giải golf...
Có thể nói, Lễ hội đã thu hút và tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng hàng vạn du khách từ khắp mọi miền trên cả nước và thế giới. “Đêm Hội An thật đẹp và tuyệt vời. Đến với Hội An, Mỹ Sơn, chúng tôi được chứng kiến những nét đặc trưng của vùng mà nước Đức chúng tôi không có, thật tuyệt vời .Chắc chắn tôi sẽ còn trở lại nơi đây”, một du khách đến từ Cộng hoà Liên bang Đức cho biết.
Lễ hội Quảng Nam- Hành trình di sản lần thứ 4 diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm Khu di tích Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là 2 Di sản văn hoá thế giới, không chỉ là sự kiện văn hoá, du lịch có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Quảng Nam mà còn mục đích giới thiệu và tôn vinh các giá trị của 2 Di sản Văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, nâng cao nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của người dân địa phương.
Đây còn là hoạt động giao lưu, hợp tác làm phong phú và đa dạng văn hoá đất Quảng, là cơ hội tốt để Quảng Nam quảng bá du lịch, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng kích cầu du lịch trong tình hình suy giảm kinh tế hiện nay.
Sau chương trình bế mạc, nhân dân và du khách được đắm mình trong một không gian huyền ảo với vẻ đẹp lung linh của những con phố nhỏ trầm mặc, cổ kính cùng hàng ngàn chiếc đèn lồng lung linh soi mình xuống dòng sông Hoài tràn ngập ánh hoa đăng thay cho lời cầu mong bình yên, hạnh phúc.
Hôm nay (7/6), tại Hội An và Mỹ Sơn tiếp tục diễn ra các hoạt động như “Lễ hội làng chài”, bóng chuyền bãi biển, bế mạc liên hoan dân ca- dân vũ Bắc- Trung- Nam…/.