Trước thông tin Cục Điện ảnh sẽ đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách nhà nước, nghĩa là sẽ có cuộc cạnh tranh giữa các hãng với nhau, suy nghĩ của những người làm điện ảnh ở hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân có nhiều khác biệt. Điều này phần nào phản ánh vị thế của các hãng phim trong thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Cơ hội mới cho phim tư nhân

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Chánh Tín, Giám đốc hãng phim Chánh Phương, một hãng phim tư nhân thì cho rằng đấu thầu sản xuất phim như vậy là tín hiệu tốt cho điện ảnh nước nhà vì đó là cách làm của những người chuyên nghiệp. Điều này rất dễ hiểu bởi từ trước tới nay, các hãng phim tư nhân mới chỉ hợp tác sản xuất phim truyền hình chứ chưa được làm phim điện ảnh bằng kinh phí nhà nước.

NSƯT Chánh Tín bộc bạch: việc làm phim lịch sử với hãng phim tư nhân rất khó khăn vì kinh phí lớn. Những việc như tạo dựng lại bối cảnh, thuê vũ khí, xe tăng… đều rất tốn kém, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì khó mà làm được. Vì vậy, việc đấu thấu sản xuất phim tạo thêm cơ hội cho các hãng phim tư nhân có điều kiện làm phim về đề tài này.

nguyen%20chanh%20tin.jpg
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Chánh Tín, Giám đốc Hãng phim Chánh Phương

Khi làm phim bằng vốn của chính mình hoặc nhà đầu tư, các hãng phim tư nhân chịu sức ép lớn của việc phải có lãi. Trong khi đó đầu ra của phim tư nhân hiện nay chủ yếu là chiếu rạp, mà số lượng rạp trên toàn quốc hiện chỉ khoảng 100 rạp, một con số khá ít ỏi. Vì thế, các nhà làm phim buộc phải lựa chọn những đề tài câu khách, có thể hút khán giả đến rạp đông trong một thời gian ngắn. Điều này cũng bó buộc sức sáng tạo của các hãng phim tư nhân. Nếu như được đầu tư bằng kinh phí nhà nước, tức là có đầu ra ổn định, họ sẽ yên tâm để làm nghề một cách chất lượng hơn.

Trước nay, các hãng phim tư nhân hầu như không can hệ gì với kinh phí sản xuất phim của nhà nước nên việc đấu thầu sản xuất phim nhà nước chỉ là tạo thêm cơ hội. Nếu không trúng thầu thì họ tiếp tục con đường sản xuất cũ, thị trường cũ. Trong cuộc cạnh tranh này, các hãng phim tư nhân có một số lợi thế như có sẵn nguồn vốn để đầu tư trước, có kinh nghiệm cạnh tranh, biết cách thu hút khán giả cũng như thuyết phục nhà đầu tư.

Bộ phim "Thiên mệnh anh hùng" do hai hãng phim tư nhân là Saiga Films và Phương Nam Phim hợp tác sản xuất đã đoạt giải Cánh diều Vàng 2012, giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Việt Nam, trong khi phim của các hãng phim nhà nước bị thất thế.

Nguy cơ đe dọa các hãng phim nhà nước

Ở trong thế đối lập với các hãng phim tư nhân, những người vốn quen làm phim nhà nước không khỏi cảm thấy lo lắng trước tương lai cạnh tranh này.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết ông cảm thấy đây là sự chuyển mình rất khó khăn cho hãng phim nơi ông đang làm việc. Ông ví việc bắt các hãng nhà nước cạnh tranh với các hãng tư nhân giống như việc vừa yêu cầu nghiên cứu, thúc đẩy ở tầm vĩ mô lại vừa phải có cái nhà mặt tiền, cái vỉa hè buôn bán để nuôi cái dạ dày.

Theo đạo diễn Thanh Vân, Hãng phim truyện Việt Nam  bao năm nay được bao cấp thì phải có một tiến trình đúng, chuyển hướng từ từ, chứ không thể một bước thay đổi ngay. Theo ông thì cần phải trang bị cho Hãng một cách đầy đủ, một hệ thống những thứ thu được tiền, nuôi được Hãng rồi mới có thể để các hãng cạnh tranh lẫn nhau.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam

Sự lo lắng này của đạo diễn Thanh Vân cho thấy những người quen làm phim nhà nước không thật sự tự tin khi phải đứng chung sân, cạnh tranh với các hãng phim tư nhân. Họ vốn quen với việc được phân bổ kinh phí làm phim, có đầu ra chắc chắn, không phải lo lắng tới doanh thu. Mặc dù đấu thầu sản xuất phim mới chỉ là cạnh tranh giữa các hãng, thuyết phục Cục điện ảnh giao kinh phí làm phim, chứ chưa phải lôi kéo người xem thì đây vẫn là khó khăn cho các hãng phim nhà nước.

Nếu như với các hãng phim tư nhân, đấu thầu phim nhà nước là tăng thêm cơ hội thì với các hãng phim nhà nước là cả sự chuyển mình, thay đổi gần như toàn bộ cách thức làm từ trước tới nay. Điều này cần tới sự nỗ lực rất lớn của các hãng. Nếu không các hãng phim nhà nước sẽ đứng trước nguy cơ chỉ còn tồn tại về hình thức./.