Với mong muốn là nơi hội tụ của các đơn vị nghệ thuật sân khấu trên địa bàn Hà Nội, thể hiện khát khao cống hiến, sáng tạo của các nghệ sỹ, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội (từ 17 đến 24/12) đang trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với công chúng.
Đây thực sự là cuộc hội ngộ những người sáng tạo nghệ thuật làm nên những vở diễn đậm đà bản sắc Hà Nội hào hoa và thanh lịch.
Tập trung phản ánh về Hà Nội ở nhiều góc độ: từ dân gian đến hiện đại, từ nhân cách, tình yêu đến số phận những người dân Hà Nội… 13 vở diễn tham gia liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 2 đều được dàn dựng hoặc phục dựng trong 2 năm trở lại đây.
Bên cạnh các đề tài lịch sử, liên hoan lần này còn có nhiều vở diễn hiện đại, mang dấu ấn văn hóa, con người Hà Nội thời kỳ mới như: “Chuyện tình thời sinh viên” của Nhà hát Chèo Hà Nội; “Sự sắp đặt của số phận” của Nhà hát Kịch Hà Nội; “Khát vọng” - Nhà hát Kịch Việt Nam.
Với tiêu chí: tác phẩm phải có nội dung gắn với Hà Nội, nhiều nhà hát trình làng các vở diễn tiêu biểu, mang hàm lượng nghệ thuật cao, nói về cuộc sống, con người Hà Nội…
Vở kịch "Lời nói dối cuối cùng" của Nhà hát Tuổi Trẻ. |
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: "Khi đưa ra tiêu chí thì chúng tôi phải hướng đến vấn đề của Thủ đô Hà Nội về địa danh, lịch sử rồi thời kỳ hiện địa, thời kỳ đổi mới. Những vấn đề liên quan đến đời sống của Thủ đô Hà Nội, cho nên cái màu sắc chính là cái liên quan về những địa danh, về lịch sử cũng như là vấn đề của Hà Nội trong quá trình phát triển".
Khi xem vở “Người Hà Nội” của Nhà hát kịch Quân đội, khán giả được đắm chìm trong không gian sục sôi ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm, vẻ hào hoa của người Hà Nội xưa. Vở diễn kể về câu chuyện một đội nữ văn công Hà Nội vào chiến trường phục vụ bộ đội, nhưng không may, cô ca sĩ nổi tiếng của đội bị thương, bị rơi vào một bệnh viện dã chiến. Tại đây, nỗi nhớ Hà Nội, tâm tình người Hà Nội, văn hóa Hà Nội, vẻ đẹp Hà Nội đã hòa quyện ngọt ngào qua từng vai diễn, truyền tới khán giả một tình yêu da diết với thủ đô.
Trong “Gươm thiêng trao trả Hồ thần” của Nhà hát Cải lương Việt Nam lại không cứng nhắc với những sự kiện, biến cố ghi chép trong sử sách mà đan cài giữa những yếu tố mang tính truyền thuyết với những khía cạnh khác nhau trong đời sống tình cảm con người. Vở “Khát vọng” của Nhà hát Kịch Việt Nam lại cho khán giả nhận thấy nét văn hóa, cuộc sống lam lũ của những người dân sống ven sông Hà Nội. Câu chuyện thấm đẫm tình người, khát vọng sống và vươn lên.
NSUT Lâm Tùng, đạo diễn vở “Khát vọng” nói: "Khi nói về Hà Nội, góc nhìn của tôi lại ở một góc độ khác, của những người dân lao động, những người dân bình thường. Họ cũng có những cuộc sống phong phú, cũng có những giằng xé đấu tranh, cũng có những khát vọng sống của mình và tôi muốn khai thác Hà Nội ở góc nhìn của tôi đó. Có rất nhiều màu sắc, góc nhìn của những tác giả, đạo diễn khác nhau và tôi đây tôi cũng hi vọng góc nhìn riêng của tôi như thế về Hà Nội, về những thăng trầm, về những biến thiên về những bước vươn lên của người dân Hà Nội".
Điểm mới tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm nay là có nhiều tác phẩm được xây dựng từ các tích truyện dân gian. Ở những tác phẩm này các nhà hát đều xoáy sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật. Điển hình như vở “Lời nói dối cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ mượn tích truyện về chú Cuội, các nghệ sĩ đã khéo léo phả vào đó hơi thở đời sống đương đại, phản ánh nhiều vấn đề thời sự, bên cạnh việc đào sâu thế giới nội tâm đa dạng của con người. Tác phẩm gửi đi một thông điệp rằng: mọi ý định dù tốt đẹp nhưng nếu được xây dựng trên sự giả dối, đều không mang lại hạnh phúc.
Trong khi đó, vở “Vua Lợn” của Hội Nghệ thuật Nhân đạo thành phố Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lại là câu chuyện ca ngợi tình nghĩa thủy chung, tính chịu khó học hỏi vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu không ngừng để làm việc lớn. Vở kịch mang tính nhân văn sâu sắc khi cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành, là bài học bổ ích cho mọi tầng lớp khán giả, nhất là các khán giả nhỏ tuổi.
Diễn viên Quang Minh, người vào vai Vua Lợn trong vở kịch cùng tên chia sẻ: "Trong liên hoan lần này thì vở “Vua Lợn” đại diện cho văn hóa dân gian Việt Nam. Đây là một trong những chuyện dân gian hay nhất của Việt Nam. Nó cũng đại diện một phần tính cách của người Hà Nội thời bấy giờ, thể hiện niềm khao khát vươn lên, sự chăm chỉ học hỏi đó là những tính cách đặc thù của người Hà Nội, người Tràng An ngày xưa và cho đến tận bây giờ. Thông qua vở "Vua Lợn, êkip muốn chuyển tải thông điệp đến cho tất cả mọi người mà đặc biệt ở đây là các em thiếu nhi thấy được tính cách của người Hà Nội xưa nói riêng và người Việt Nam nói chung".
Có thể nói, với những dấu ấn Hà Nội đậm nét trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 2, các nghệ sĩ sân khấu đang có dịp thể hiện tình yêu và sự trân trọng của mình về một Hà Nội anh hùng, văn minh hiện đại, ngàn năm văn vật với bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng, đồng thời, cũng là dịp mang những món ăn tinh thần phong phú đến với công chúng Thủ đô./.