Sáng 27/11, tại Quảng trường Khu Di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 700 năm Ngày nhập Niết bàn của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Đến dự lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm. Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có các vị cao tăng, chức sắc, tăng ni và hàng vạn bà con phật tử trong cả nước.

Phát biểu khai mạc đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu bật ý nghĩa to lớn của việc tiến hành Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày nhập Niết bàn của Đức Vua Trần Nhân Tông - vị hoàng đế hai lần lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, sau đó  xuất gia tu hành tại chùa Yên Tử và sáng lập thiền phái Trúc Lâm với mục đích qui tụ ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngày nay, tưởng nhớ công lao, ân đức của người xưa, giới tăng ni, phật tử Việt Nam luôn tâm nguyện phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức của Đức  vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh đó là kính nguyện thực hành, giữ gìn tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, độc lập tổ quốc, tinh thần phóng khoáng bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội. Đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm tốt đạo, đẹp đời, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường.

Đông đảo các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng các tăng ni,Phật tử  về dự Đại lễ

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày nhập Niết bàn của vua Trần Nhân Tông ngay tại nơi Người đã tu hành đắc đạo và về với cõi Phật. Đây là dịp để nhân dân ta tưởng nhớ công lao và bày tỏ sự tri ân, trân trọng tài, đức của Người cũng như của các bậc tiền nhân khác đối với đất nước, thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho dân tộc và đạo pháp, Đức vua Trần Nhân Tông được người đời sau suy tôn là Phật hoàng – một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta nguyện ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng và nhà nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng và phát triển đất nước và tô điểm cho truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo nước nhà. Đại lễ hôm nay là minh chứng hùng hồn cho chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta là biểu hiện sinh động của truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỏ rõ lòng biết ơn của hậu sinh với công lao to lớn của lớp lớp người đi trước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước”.

Tối nay sẽ diễn ra lễ cầu nguyện Thế giới hòa bình - quốc thái dân an và thắp nến hình chữ Tâm tại chùa Trình thuộc khu danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh./.