Trong lễ khai ấn đền Trần tối 21/2, tình trạng cướp lộc từ bàn thờ các vua Trần lại tái diễn như đã xảy ra các năm trước. Tình trạng thay cướp ấn bằng cướp lộc, cho thấy một thực tế đáng buồn về sự xuống cấp trong cách đi lễ, cũng như ứng xử với văn hóa tâm linh của một bộ phận khách hành hương.

Về vấn đề này Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với PGS-TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng; PGS Nguyễn Văn Huy, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản Việt Nam; GS Ngô Đức Thịnh, GĐ Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

khaian_mhar.jpg
Lễ khai ấn đền Trần 2016. Ảnh: TTXVN.

GS Ngô Đức Thịnh: Sự đứt gãy về hiểu biết tâm linh

Chục năm nay,tôi vẫn theo dõi đều đặn lễ khai ấn tại đền Trần, cũng như những hệ lụy của nó. Đã có thời điểm, chúng ta lấy làm mừng vì nạn chen lấn, giẫm đạp “cướp ấn” giảm bớt, sau khi BTC phát ấn đại trà trong nhiều ngày cho du khách, thay vì phát ngay sau lễ khai ấn.

Nhưng những gì vừa xảy ra cho thấy chúng ta mừng hơi vội. Khách hành hương lại chuyển sang xô đẩy, chen lấn để cướp giật các đồ lễ trên điện thờ. Thậm chí, vào năm trước,tôi thấy báo giới còn đưa tin rằng họ hăng máu định cướp cả… thanh gươm của Đức Thánh Trần nữa.

Nghĩa là, cái tâm lý tranh cướp, chộp giật để cầu lợi cho mình bất cứ lúc nào luôn chờ dịp để bùng phát, dù ở dạng này hay dạng khác. Không cần chuẩn bị tâm thế chay tịnh để hòa đồng với thế giới tâm linh, không cần hiểu bản chất của lễ hội, người ta chỉ còn chăm chăm cầu danh lợi để thỏa sự ích kỷ của mình.

Chúng ta đã phân tích quá nhiều về sự đứt gãy, thiếu hiểu biết của cộng đồng khi có một thời gian dài các vấn đề tín ngưỡng, tâm linh bị hạn chế. Và khi trở lại, sự đứt gãy ấy lại được cộng hưởng cùng dòng chảy của một xã hội nặng tính thực dụng, để rồi niềm tin mù quáng, bất chấp đạo lý tín ngưỡng có dịp lên ngôi.

Du khách đã từng cố nhét tiền vào tay tượng Phật, vào kiệu rước để cầu lợi được “trực tiếp” hơn, vậy thì chuyện giành lộc, cướp lộc tại điện thờ cũng không có gì khó hiểu.

Có lẽ chúng ta phải mất hàng chục năm nữa để tuyên truyền giúp họ hiểu biết về tín ngưỡng để họ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lề lối.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Trong đám đông, họ không sợ bất cứ điều gì!

Người xưa có tục tranh hoa tre đền Gióng, cướp phết Hiền Quan… nhưng cũng chỉ là những thực hành văn hóa mang tính ước lệ. Còn việc cướp lộc trên bàn thờ tại đền Trần là hành động xúc phạm không gian thiêng. Chen lấn, xô đạp nhau để cướp lộc ngay trên bàn thờ là điều không thể chấp nhận và không thể biện minh bằng bất cứ luật tục văn hóa nào.

Vì đâu mà con người hiện đại trở lên vị kỷ, bất kính đến vậy? Theo tôi, hành động cướp lộc ngay trên bàn thờ thánh xuất phát từ lối sống thực dụng, khinh nhờn luật pháp. Trong quan điểm dân gian xưa, lộc vẫn được hiểu là may mắn rơi vào ai người ấy được. Nay, con người nghĩ rằng tự bản thân mình hoàn toàn có thể giành lộc ấy bằng bất cứ cách nào kể cả ẩu đả, tranh cướp.

Tức là, người ta đã trần tục hóa những điều thiêng liêng, thực dụng hóa những tín ngưỡng. Hơn thế, ở trong đám đông, những người cướp lộc trên bàn thờ không sợ bất cứ điều gì. Nếu một mình, họ sẽ sợ sự uy nghi của thánh thần. Song, trong đám đông, họ thấy mình trong vòng an toàn khi ai cũng như ai, cố giành nhau từng mẩu “lộc” và hy vọng sẽ may mắn.

Thật sự rất khó để nghĩ ra một giải pháp căn cơ, trước mắt, tôi chỉ mong lực lượng gìn giữ trật tự lễ hội làm thật nghiêm,ngăn nguy cơ xảy ra cảnh giẫm đạp nghiêm trọng hơn.

PGS Nguyễn Văn Huy: Nguy cơ “vật chất hóa” tín ngưỡng

“Cướp lộc” không còn là câu chuyện riêng của đền Trần. Đó là bài toán mà xã hội đang phải giải quyết từ vài năm nay: tình trạng niềm tin tâm linh đang bị bóp méo theo xu hướng vật chất hóa. Chúng ta được chứng kiến khá nhiều hình ảnh về các mâm lễ “khủng” được dâng lên các đền chùa như một sự đổi chác kệch cỡm.

Đi hội Xuân, người xưa vào đền chùa với sự tôn kính đến từ tâm lý ngưỡng vọng thần linh, từ niềm tin chân chính của bản thân. Bây giờ, nhìn những hình ảnh về nạn cướp lộc tại hội đền Trần hoặc hình ảnh dòng người ken đặc ngoài đường trước cổng chùa Phúc Khánh, tôi có cảm giác rằng mọi chuyện đã bị đẩy lên quá xa so với bản chất thật. Không hiểu về tín ngưỡng, biến đền chùa thành nơi cầu lợi, thì việc chen lấn, cướp đồ lễ xảy ra cũng là dễ hiểu.

Đây không chỉ là câu chuyện về giữ trật tự, an ninh của phía tổ chức lễ hội. Ngọn nguồn của nó là dân trí và xa hơn là xu hướng thực dụng, vật chất hóa đang lên ngôi trong xã hội bây giờ. Nếu không giải quyết từ gốc, đó là một bài toán vô cùng khó./.