Hiện tại, Hà Nội có 6 nhà hát ở nhiều loại hình nghệ thuật như: múa rối, chèo, cải lương, kịch nói... Năm nay, các nhà hát của Thủ đô đã dàn dựng gần 20 chương trình, vở diễn mới và tổ chức hơn 1.600 buổi diễn nhằm phục vụ khán giả.
Bên cạnh sự phát triển nở rộ của số lượng các vở diễn, sân khấu Thủ đô đang thiếu đội ngũ chuyên làm công tác lý luận phê bình, dẫn đến khâu chọn lựa, thẩm định kịch bản văn học tại các Nhà hát còn hạn chế, chất lượng nhiều tác phẩm chưa cao.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng vai trò của lý luận, phê bình sân khấu có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Thủ đô và góp phần trong công tác quản lý nhà nước về sân khấu.
Buổi tọa đàm phổ biến công tác lý luận phê bình sân khấu. |
Người làm lý luận phê bình phải chứng tỏ cho tác giả thấy cái hay, cái cao cả của tác phẩm đồng thời chỉ ra cái vụng về, thiếu sót để họ sửa chữa. Tuy nhiên, công tác lý luận, phê bình sân khấu Thủ đô hiện nay chỉ mới “khen” mà thiếu “chê”.
Công tác lý luận phê bình đang bị bỏ ngỏ, nhiều năm không xuất hiện cây bút mới. Nghệ sĩ Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội thẳng thắn: "Là một người làm nghề, đi xem nhiều vở cũng đọc nhiều kịch bản, tôi thấy điều quan trọng là cấu trúc kịch bản và tư duy của tác giả cũng đã sai, câu chuyện quá đơn giản cho nên phải có một người chỉ ra những vấn đề được và những vấn đề không thể được của sân khấu.
Các nhà hát rất sợ công tác lý luận phê bình sân khấu mà hình như cũng thành thói quen chỉ thích khen thôi, không thích chê."
Những ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận, nghệ sĩ tại tọa đàm là cơ sở để Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội tiếp tục tổ chức những hội thảo, chuyên đề sâu về công tác này trong năm 2018, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng sân khấu Thủ đô./.
Á hậu Trịnh Kim Chi tuổi 46 vẫn xinh đẹp, trẻ trung trên sân khấu kịch
Nghệ sỹ sân khấu ở Sài Gòn tri ân Tổ nghề
Hơn 100 nghệ sĩ cùng thể hiện ca khúc viết về "Tổ nghiệp" sân khấu