Nghề nghiệp cho tôi cái cơ may lâu lâu được ngược vùng rừng, đến một vài buôn làng, được thấm đẫm không khí trăng đêm, nắng sớm, sương chiều…

Đến với đồng bào vùng cao vào phiên chợ hay gặp lúc hội hè, - nói như đồng bào ở đây - tôi được tới ba lần sướng. Là sướng cái mắt nhìn là một. Sướng cái tai nghe là hai. Và, sướng thứ ba, là thường xuyên nhận ra không phải cái gì mình cũng biết hết, biết tuốt, mà hoá ra mình vẫn còn ngu lắm!

Sướng cái mắt nhìn, thì rõ rồi. Không gian miền rừng núi vào dịp nào cũng đầy màu sắc, lại thêm hình bóng các bà, các chị, các em nguyên bản khăn ô, váy áo, làm cho bức tranh sắc màu thêm muôn phần đa dạng, lung linh, biến hoá…

Muốn sướng cái tai nghe, hoặc là lặng lẽ tìm một góc rừng, một bờ suối, thả mình xuống thảm cỏ, và nhắm mắt lại… Nhịp sống công nghiệp và đội quân lâm tặc ngày một nhiều thêm đang nhằm rừng xanh lấn tới, nhưng không hẳn rừng đã hết cây, suối đã hết nước! Còn đồi cây mọc, còn rừng chim ca… Cái lý của tự nhiên là vậy. Và âm thanh của trời, của đất, của gió, của cây… ùa tới, khiến ta thấm đẫm giữa bốn bề âm thanh trời đất. Hoặc bấm đốt ngón tay, chọn đúng ngày có phiên chợ, dừng lại, một đêm một sáng, thì, ngạc nhiên chưa, tràn đầy âm thanh với màu sắc, không nơi đâu có được, không lặp lại lần thứ hai đâu!

Còn cái sự sướng khi biết mình vẫn còn ngu lắm, nó là chuyện thường ngày trên mỗi nẻo đường vùng cao khi chúng ta năng đi, năng hỏi, năng nhìn và chịu khó suy ngẫm. Có một lần, một trưởng thôn hỏi tôi: Cán bộ biết nhiều, mình nhờ cán bộ bày cho mình: Có một gói bột ngọt nhỏ thế này, làm sao chia đều cho cả làng? Tôi thật bất ngờ với tình huống này. Là vì thôn có tới hơn 50 nóc nhà, mà gói bột ngọt chỉ có hơn 100 gam! Gói bột ngọt nằm trong thùng quà với nhiều thứ quà một đơn vị nào đó gửi tặng làng vào dịp Tết.

Tôi chợt nhớ đến câu “hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” trong “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi và nói với vị trưởng thôn: Bác nấu một nồi canh lớn, cho hết gói bột ngọt vào và chia cho mỗi nhà mỗi bát… Người trưởng thôn nghe, nhắm mắt lại suy ngẫm, rồi lắc đầu: Không được, không được đâu. Như thế thì chỉ ăn được một lần, là hết. Đây là quà của cán bộ cấp trên gửi cho làng, tất cả mọi người trong làng phải cùng được hưởng, mà không phải một lần…

Và, quí vị và các bạn có biết người trưởng thôn xử lý như thế nào không? Ông cho bột ngọt vào cái chai thuỷ tinh, nút thật kỹ, rồi treo ở gian chính nhà văn hoá cộng đồng. Ông nói, mỗi lần dân làng hội họp, ông sẽ nhắc mọi người là quà của cán bộ cấp trên gửi cho làng, mọi người cùng nếm một chút, nếm bằng mắt thôi, ai cũng được nếm, mà tấm lòng của cán bộ lúc nào người dân cũng thấy…

Một lần khác, trong lúc vui vẻ, một thanh niên hỏi tôi: Cán bộ được đi nhiều nơi, được biết nhiều chuyện, cán bộ có biết ở vùng cao có con gì là con… đứng không? Tôi suy nghĩ một hồi, chả hiểu là con gì, định trả lời… là con người, cho xong chuyện… Người thanh niên cười: Cái con đứng, nó là con ngựa. Cán bộ không thấy con ngựa lúc ăn nó cũng đứng, lúc ngủ nó cũng đứng à? Lúc ngựa nằm là lúc nó sắp nhảy vào nồi thắng cố rồi đấy!./.