PV:Thưa nhà văn, tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh, cái tên “Alo! Lèn Hà”nghe thật lạ nhưng cũng rất gần gũi. Từ ý tưởng nào mà ông cho ra đời chương trình nghệ thuật đặc biệt này?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh:Hôm nay nhìn lại thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thời gian đã lùi rất xa, 30, 40, gần 50 năm. Chúng ta hôm nay luôn trong tâm thế tri ân các thế hệ cha ông đã hy sinh đổ máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ thông tin tại Trạm thông tin A69 ở Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong muôn vàn sự hy sinh đáng trân trọng, đáng lưu danh, đáng khắc nhớ, đáng tri ân của hôm nay và mai sau.

“A lô! Lèn Hà” là cách để tôi gửi một thông điệp lớn lao và xúc động, không ai quên công lao của các anh các chị, chúng ta vẫn về với họ, nơi họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, nơi họ đã sống, công tác, hy sinh, và địa chỉ Lèn Hà sẽ mãi mãi là địa chỉ để ghi nhớ, để tri ân, là địa chỉ du lịch tâm linh của khách du lịch trong và ngoài nước.

36514980_1003229259838778_2794137192555872256_n_hbli.jpg
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật "A lô! Lèn Hà".

"A lô! Lèn Hà" là cách để tôi làm rõ chủ đề của chương trình mình đang tiến hành, chủ đề tri ân thương binh liệt sĩ, mọi người đang về đúng ngày 13 liệt sĩ hy sinh, và gọi họ, và gọi tên một danh xưng đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, và gọi chính bản thân mình để hướng tới một nghĩa cử, một sự ghi ơn, một trách nhiệm cho những người đang sống tiếp tục thay mặt các anh hùng thương binh, liệt sĩ tận hiến cho một đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

PV: Tôi được nghe, được xem những chia sẻ rất xúc động của ông trong quá trình đi tìm tư liệu, nhân vật để viết kịch bản "Alo Lèn Hà". Có những thứ run rủi mang yếu tố tâm linh khó giải thích. Ông có thể chia sẻ một trong số rất nhiều câu chuyện mà ông ấn tượng nhất khi tìm kiếm các nhân vật, tư liệu liên quan?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Trước khi được giao làm chương trình, tôi và nhóm trợ lý lên Di tích Lèn Hà nhiều lần, đọc nhiều tư liệu, báo chí, đọc cả thơ viết về Lèn Hà. Sau đó thì đi gặp gỡ các nhân chứng, gặp gỡ thăm viếng gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Lan Anh tại quê nhà của chị ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, gặp gỡ mẹ chị Lan Anh năm nay đã 89 tuổi, vẫn khỏe, vẫn kể cho tôi nghe cả ngàn đêm này nối ngàn đêm khác, đêm nào cũng nhớ con gái của mình, nhớ rõ mồn một cái đứa con gái út oi, xinh xắn mới 15 tuổi vẫn xung phong đi bộ đội.

“A lô! Lèn Hà” gửi một thông điệp lớn lao và xúc động, không ai quên công lao của 13 cán bộ, chiến sĩ thông tin tại Trạm thông tin A69 ở Lèn Hà.

Tôi về Hà Bắc, về làng Đình Bảng gặp chú Thái, cựu chiến binh Lèn Hà, nhân vật có trong chương trình, từng cảm mến chị Nghiêm, nữ thông tin Lèn Hà, làm thơ tặng, rồi yêu, rồi bị kỷ luật phải chuyển sâu vào trạm thông tin ở Quảng Trị…Ông đã chép cho tôi những bài thơ ông viết tặng chị Nghiêm,  bạn gái mình trong Trạm A69. Ông kể cho tôi nghe hết những ngày tháng cùng sống, chiến đấu, những năm tháng trên bom dưới đạn làm nhiệm vụ ở bên chân núi đá Lèn Hà, ông vẽ cho tôi sơ đồ doanh trại bộ đội thông tin đóng quân…

Rồi ông mơ ước còn có thể tỉnh táo, còn sống đến ngày chương trình lên sóng, vì ông đang bị ung thư giai đoạn cuối, cuộc sống phải đếm từng ngày. Ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ còn có một cựu chiến binh nữa, cựu chiến binh mặt trận Quảng Trị, bố của nữ trợ lý của tôi, ông cũng bị ung thư giai đoạn cuối, cũng nói với tôi khao khát đủ sức khỏe đến ngày 2/7 xem được chương trình của tôi và con gái ông làm, được xem những hình ảnh hy sinh đổ máu thời chiến tranh. Tôi cũng nhận email, tin nhắn, các cuộc gọi điện thoại của các cựu chiến binh, các anh các chị một thời công tác ở Lèn Hà, họ mong mỏi được xem một chương trình thực sự chân xác, thực sự ấn tượng về đồng đội đã hy sinh của họ.

Như ai đó đã dẫn dắt, những gì tôi cần tư liệu đều bỗng dưng xuất hiện, những khó khăn tôi vấp phải đều có bàn tay ai đó đưa ra che đỡ, giải quyết, những bế tắc trong quá trình tư duy dàn dựng được ai đó “giải phóng”, cho tôi cảm xúc, cho tôi sáng tạo, cho tôi đường đi.

Tôi và các trợ lý khi lên huyện Thanh Ba tìm nhà liệt sĩ Nguyễn Thị Lan Anh rất mù mờ về địa chỉ, nhưng hình như hồn liệt sĩ dẫn đường, xe chúng tôi dừng lại hỏi đường đúng vào xóm nhà của chị, rất kỳ lạ, bởi vì với một huyện trung du này, đất rộng, người thưa, tìm đâu ra?

Tôi đang muốn xây dựng một tình yêu đẹp trong chiến tranh mà không biết bám víu vào đâu, vào tư liệu nào thì cũng có ai đó dắt  tay tôi về nhà bác Thái ở Bắc Ninh, và nguyên mẫu tình yêu rất trong trẻo, rất đẹp của anh Thái, chị Nghiêm đã làm ra tuyến nhân vật khó quên.

PV: “Chúng tôi đón chờ "A lô! Lèn Hà" như mong ngày trở lại chiến trường xưa. Được nghe lại những câu hò đất Bắc, được ngắm nhìn những em "lính Thông tin" trẻ trung và như được sống lại trong khung cảnh chiến tranh, được thấm lại nỗi đau mất mát hy sinh...và điều quan trọng nữa đó là sự tri ân”. Đây là chia sẻ, trông đợi của một người đã từng trải qua những khốc liệt của chiến tranh, muốn nhận được từ Alo Lèn Hà. Ông có thấy điều đó là gánh nặng với mình?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: 13 liệt sĩ tại Trạm cơ vụ A69 đều quê các tỉnh Bắc bộ như Phú Thọ, Thái Binh, Thanh Hóa, Ninh Bình… Vùng quê của họ là vùng đất chèo, vùng đất dân ca bắc bộ, vùng đất quan họ. Ý nghĩ đó đã giúp tôi hình thành chủ đề âm nhạc cho chương trình là giai điệu của chèo, quan họ, dân ca bắc bộ. Rồi cũng từ ý tưởng âm nhạc này mới sinh ra bối cảnh miền Bắc dựng trong chương trình: Mái đình, chiếu chèo, cây đa, con đê làng… Rồi từ bối cảnh này tôi lại liên hệ đến đàn cò trắng chấp chới bay trên cánh đồng, đàn cò trắng như hiện thân các chiến sĩ rời quê hương vào chiến trường, và khi hy sinh thì linh hồn họ lại hóa thành đàn cò trắng chấp chới bay về trong vòng tay đón ấm áp và đau đớn của bố mẹ, của quê hương.

Ý tưởng như vậy đã giúp tôi và ekip quyết tâm xây dựng những bối cảnh chân thực, ngay chân Lèn Hà, ngay vị trí 13 liệt sĩ đã hy sinh. Rất khó khăn để phục dựng bối cảnh chân xác nhưng chúng tôi đã vượt qua, đã gây dựng nên hang Lèn Hà, doanh trại, đường đi, hầm hào, bối cảnh miền bắc…bờ đê xanh cỏ…tất cả cứ hiện lên từng ngày, hiện lên chân thực, hiện lên như nó vốn thế, hết sức xúc động.

Tôi  và ekip nỗ lực vượt qua nhiều gánh nặng để hình thành ra một chương trình nhiều màu sắc, nhiều bối cảnh, nhiều điểm nhấn, nhiều tình tiết đắt giá, nhằm tạc dựng lại sự thật lịch sử anh hùng của Trạm thông tin Lèn Hà, để thực sự là một chương trình mang nặng tri ân, nhưng muốn như thế thì phải làm cho được một Lèn Hà như vốn có trong lịch sử…

Chúng tôi muốn các cựu chiến binh khi xem, sẽ phải thốt lên, đúng rồi, thời đó là như thế, doanh trại như thế, hang đá như thế, cánh rừng như thế, hầm hào như thế, quan hệ đồng đội, quan hệ quân dân đẹp đẽ, ấm áp nghĩa tình như thế. Và chúng tôi đã thành công.

PV: Chứng kiến từ khi ông chia sẻ ý tưởng của chương trình, thời gian tập luyện cùng các diễn viên, nghệ sĩ… trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt ở Quảng Bình mới thấy một tập thể lao động vô cùng vất vả. Điều đó có khiến ông chùn lòng hay sẽ tiếp tục theo đuổi những đề tài đầy xúc động về chiến tranh?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: 20 ngày xây dựng bối cảnh, 7 ngày luyện tập, thời tiết ngày đổ mưa, ngày nắng nóng, nhưng tôi đang có trong tay mình một ekip, một dàn diễn viên sống chết với nghề, nghiêm túc, tận tâm, tận hiến và luôn mang tâm thế tri ân liệt sĩ để bước vào công việc, vì thế không khó khăn nào chúng tôi không vượt qua. Để vào được chân núi Lèn Hà tập luyện, anh em phải đi ô tô mỗi ngày 4 chuyến từ chỗ ở vào, với hơn 30 km, thời gian di chuyển trên đường đèo dốc mỗi ngày 4 tiếng…dù như vậy nhưng chúng tôi đã lăn xả để luyện tập, tập trong căng thẳng cả về nội dung, thời tiết và thời gian hoàn thành…Chúng tôi không thể kéo dài thơi gian tập vì đơn giản là kinh phí không cho phép chậm chạp.

Làm về đề tài chiến tranh vô cùng khó. Khó là vì thời gian đã lùi xa. Khó là vì thế hệ các thanh niên trẻ sau này hầu như ít biết nhiều về gian khổ, bom đạn, sự hy sinh đổ máu…Làm thế nào để mọi người có thể cảm nhận được sự khốc liệt thời chiến, không phải qua tuyên ngôn mà qua hành động, bối cảnh, hình ảnh là một thử thách to lớn. Làm về đề tài tri ân liệt sĩ mà khán giả không xúc động, không khóc là thất bại. Làm về đề tài chiến tranh mà bối cảnh hời hợt, không tả thực được sự gian nan, không tả thực được cảnh bom rơi đạn nổ là thất bại.

Vì thế chúng tôi mới công phu xây dựng bối cảnh, vì thế mà trong chương trình này, lần đầu tiên có một sự kiện sử dụng hiệu quả lửa khói, quả nổ hết sức thành công, tạo nên không khí chiến tranh rất thực, rất quyết liệt, rất căng thẳng. Chúng tôi đã nỗ lực 300% với sức lực của mình để tạo ra một Lèn Hà đúng như thời đó, lãng mạn, khốc liệt, cuốn hút và đầy máu, mồ hôi và nước mắt.

Tôi còn tiếp tục nhưng chương trình như thế này, sẽ còn tiếp tục những chương trình mang đề tài tri ân, tưởng niệm, phục dựng chiến tranh, sẽ còn tiếp tục với những ý tưởng lớn cho những chương trình như thế dù rất vất vả, gian nan và túng thiếu, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm, làm bằng toàn bộ sức lực, tài năng, cảm xúc và trách nhiệm.

PV: "Alo! Lèn Hà" đã công diễn tối 2/7, đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Đó có phải là một thành công của chương trình này, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Thành công lớn nhất là khán giả ( đặc biệt các cựu chiến binh) cùng cảm nhận đúng về không khí chiến tranh, cảm nhận được sự hy sinh vô bờ bến của các thế hệ cha anh, cảm nhận được một thời đất nước như thế, dũng mãnh như thế, hy sinh như thế, xúc động trào nước mắt theo từng chi tiết dàn dựng, hòa vào không gian, câu chuyện kể, hòa vào vui buồn của các nhân vật cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69…Tôi cho rằng chúng tôi đã thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!./.