Hoạt động biểu diễn là một trong những hoạt động quan trọng mang giá trị tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều hoạt động biểu diễn vi phạm nghiêm trọng các điều luật đề ra, nhiều ca sĩ, người mẫu… cũng có những hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến công chúng. Để “vàng, thau” không lẫn lộn, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM vào sáng 3/6 để lấy ý kiến góp ý việc cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN) cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Cần thiết cấp CCHN cho nghệ sĩ biểu diễn?

Trên thực tế, đây không phải lần đầu hoạt động cấp phép diễn ra. Trước đó, năm 1999, việc cấp phép chủ yếu diễn ra với các nghệ sĩ trong các đơn vị công lập. Tuy nhiên, do quan niệm là hình thức “giấy phép con”, gắn với đăng ký kinh doanh, làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định, bãi bỏ một số giấy phép và thay thế bằng phương thức quản lý khác.

cchn1.jpg
Hội nghị lấy ý kiến cấp Chứng chỉ hành nghề cho nghệ sỹ

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), cho biết: “Khảo sát từ các diễn đàn báo chí trong thời gian qua, có đến 81,25% ý kiến cho rằng cần thiết phải tiến hành lại việc cấp CCHN cho các nghệ sĩ biểu diễn. Việc này vừa giúp quản lý, nhằm phân biệt rõ ràng “vàng thau”, mà cũng để góp phần lặp lại trật tự trong nghệ thuật biểu diễn do thời gian qua có khá nhiều sai phạm liên quan đến vấn đề này”.

Chứng chỉ hành nghề không phải là “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn mà là một trong những công cụ để quản lý, giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người, đồng thời, là công cụ để người hành nghề phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin mới về nghề nghiệp và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề, đảm bảo tư cách hành nghề. Thông qua CCHN, cũng có thể xử lý tốt các sai phạm và góp phần giúp cho việc thu thuế minh bạch hơn.

Trong đề án cấp CCHN nêu rõ đối tượng áp dụng, dự kiến với các cá nhân là các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Trước mắt tiến hành áp dụng với các ca sỹ, người mẫu. Đối với NSND, NSƯT sẽ được cấp CCHN một cách đương nhiên. Ngoài ra, với các ca sỹ được đào tạo tại các trường nghệ thuật trong và ngoài công lập, các nghệ sỹ hoạt động tự do, các ca sĩ chưa được đào tạo hoặc đang học tại các trường nghệ thuật, các người mẫu nếu có nhu cầu cũng có thể xét duyệt để cấp.

Các nghệ sĩ được cấp phép phải đáp ứng các tiêu chí: có tư cách đạo đức để xuất hiện trước công chúng, có năng lực nghệ thuật trình diễn, chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề mới đủ điều kiện được cấp phép. Các trường hợp nghệ sĩ nước ngoài về VN và nghệ sĩ VN ở nước ngoài sẽ không được cấp phép. Ngoài ra, việc cấp phép cũng đi kèm với các mức hình thức xử phạt về việc treo CCHN hay thu hồi vĩnh viễn tương đương việc cấm nghệ sĩ biểu diễn công khai.

Đại diện Cục NTBD, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định, việc cấp thẻ là hoàn toàn tự nguyện, không có cơ chế xin cho, minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho nghệ sĩ trước thực trạng người người làm ca sĩ, nhà nhà làm nghệ thuật, ai cũng tự xưng mình là một nghệ sĩ và hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các Bộ, ban, ngành.

Cấp CCHN thế nào cho thỏa đáng?

Trong buổi lấy ý kiến cho việc cấp CCHN, đại diện của các Sở VH-TT&DL cùng các nghệ sĩ hoạt động tự do, các đơn vị sản xuất, các bên liên quan cũng đưa ra nhiều ý kiến tranh cãi, chủ yếu xoay quanh các nội dung: cấp CCHN cho nghệ sĩ hoạt động tự do, cấp cho các đơn vị sản xuất, thủ tục cấp và thẩm định xét duyệt cấp CCHN như thế nào.

Là một trong những địa bàn có nhiều nghệ sỹ hoạt động tự do nhất nước, ông Võ Trọng Nam, Phó GĐ Sở VH-TT&DL TP.HCM cho biết: “Hiện giờ, chúng ta chưa có đủ văn bản mang tính pháp lý để thực hiện việc cấp. Nếu có đủ thì cũng phải xét trên nhiều yếu tố. Trước đến nay, TP.HCM vẫn quản lý bằng cấp phép chương trình, chịu trách nhiệm nội dung chứ không quản nhân sự mà vẫn tốt. Cấp CCHN sẽ nảy sinh nhiều thủ tục hành chính”.

Việc "Đêm hội chân dài 7" bị xử phạt được nhiều ý kiến đưa ra làm ví dụ, thể hiện sự cần thiết phải có chế tài quản lý với cả đơn vị tổ chức và người mẫu tham gia (ảnh: TTVH)

Đại diện Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đưa ý kiến về việc cấp thẻ cho những người tổ chức sự kiện: “Tại sao một người đứng đầu một công ty tổ chức sự kiện, quản lý các nghệ sĩ, người mẫu… lại không có một CCHN nào cho họ? Quản lý người đứng đầu thì thủ tục mới gọn nhẹ, nhanh chóng và quy trách nhiệm pháp lý cụ thể. Ngoài ra, khi trình diễn trong các chương trình thì nghệ sỹ buộc phải xuất trình giấy tờ. Không phân biệt đối tượng hoạt động chính quy với hoạt động tự do mà tất cả phải bình đẳng để xử lý theo chế tài”.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: “Ngoài việc cấp CCHN thì phải thêm vào đó các hình phạt bổ sung và chuẩn bị đầy đủ các văn bản pháp lý. CCHN nên có thời hạn và quy định tiêu chí xét duyệt rõ ràng. Ngoài ra, đối với hoạt động mang tính năng khiếu, nhiều em còn nhỏ nhưng đã hoạt động nghệ thuật thì phải có giới hạn lứa tuổi. Quy định cấp lại cũng phải có với trường hợp mất, rách…”

Đại diện đơn vị công ty đào tạo người mẫu, ông Trần Thánh Long cho hay: “Dù có nhiều ý kiến phản đối CCHN nhưng tôi cho rằng đây là điều rất cần thiết. Lý do hết sức đơn giản, đã tham gia nghề phải có trách nhiệm và đạo đức với nghề. Có nhiều trường hợp dù vi phạm nhưng không thể xử lý trên địa bàn vì là nghệ sỹ từ nơi khác đến. Cũng không thể xử phạt đơn vị sản xuất. Công ty chỉ quản lý người mẫu trong vòng vài ba năm, sau đó họ hoạt động tự do thì đành chịu. Các cấp có thẩm quyền nên làm quyết liệt việc này”.

Dù còn nhiều tranh cãi nhưng hầu hết các ý kiến đều thống nhất với việc cấp CCHN nếu như có một tiêu chí cụ thể và xác định rõ các điều khoản. Theo lộ trình, trong tháng 9/2013, Bộ VH-TT&DL cùng Cục NTBD sẽ hoàn hành hồ sơ thẩm định, từ tháng 10-12/2013 sẽ tiến hành cấp CCHN đợt 1. Đến 1/1/2014, CCHN bắt đầu có hiệu lực./.