Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Việt Nga- Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương đã có nhiều năm gắn bó với công việc làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với bà, những câu chuyện kể, những bài hát về Bác đã ngấm sâu trong tâm hồn từ thơ bé. Lớn lên, khi đi học và làm đạo diễn, bà luôn ấp ủ dự định làm phim tài liệu về Người. Để thực hiện loạt phim “Bác Hồ-sự cảm hóa kì diệu”, bà đã dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu tư liệu về Bác. Kịch bản hoàn thành, bà lại cùng đoàn làm phim lăn lộn khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, gặp gỡ những người bảo vệ, cận vệ, lái xe cho Bác đến những gia đình từng giúp đỡ Bác trong thời gian hoạt động cách mạng. Đó là chưa kể khó khăn của những ngày tháng thực hiện quay phim ở Trung Quốc, Pháp và tìm gặp các nhân chứng lịch sử. Bộ phim hoàn thành với tất cả niềm say mê, nhiệt huyết của đạo diễn Việt Nga.

bac-ho.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Đạo diễn Việt Nga cho biết: "Sức cảm hóa kỳ diệu của Bác, sức lan tỏa của Bác trong tư tưởng, đạo đức, cuộc đời, nhân cách chứa đầy tầm văn hóa sâu xa. Tôi nghĩ rằng từ khi làm phim về Bác, tôi thấy sống có trách nhiệm hơn, lương thiện hơn, cố gắng học Bác càng nhiều càng tốt".

Còn với Đại tá, nhạc sĩ Trần Viết Thân, Đoàn văn công Quân khu 2, khi sáng tác ca khúc “Về suối nguồn”, ông cho rằng viết về Bác đã có quá nhiều ca khúc hay, bất hủ, vì vậy đòi hỏi người nhạc sĩ phải tìm ra nguồn cảm hứng mới, chân thành mà sâu sắc nhất. Ca khúc của ông viết về những địa danh lịch sử gắn với Bác Hồ, đó là suối Lê Nin, hang Pác Bó với những ca từ đầy cảm xúc.  Đại tá, nhạc sĩ Trần Viết Thân chia sẻ: “Về suối nguồn” là sự thăng hoa của tình cảm, lòng kính trọng, biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Viết về đề tài Hồ Chí Minh thì rất nhiều nhạc sĩ cây cao bóng cả viết nhiều lắm rồi. Nhưng với tôi, tôi viết bằng cảm xúc thật sự".

Là người con của dân tộc Chăm- Ninh Thuận, chứng kiến sự đổi thay trong đời sống của bà con dân tộc mình, họa sĩ Chế Thị Kim Chung càng hiểu hơn về công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tác phẩm mĩ thuật “Làng Chăm làm theo lời Bác” được nung nấu và thực hiện cũng từ đó. Miệt mài từng nét vẽ, gam màu trong vòng 4 tháng, bức tranh đã khắc họa ấn tượng những đổi thay về kinh tế- xã hội của đồng bào Chăm Ninh Thuận."Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu cho toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Chăm chúng tôi nói riêng. Tôi nhận thức rằng người Chăm chúng tôi phải thi đua học tập nhau, phát huy tính tích cực, học tập tấm gương đạo đức của Người ngày càng mạnh mẽ hơn nữa, duy trì nhiều trong cuộc sống và mọi lĩnh vực hoạt động", họa sĩ Kim Chung nói.

Thêm một tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là thêm một sự sáng tạo, một cảm nhận mới mẻ về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc./.