img_8000vov__17__ronk.jpg
Chiều 21/9 tại Hà Nội, Triển lãm“Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016) chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày tác phẩm của 50 nghệ sỹ tạo hình Việt Nam do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tuyển chọn.
Triển lãm để nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và đổi mới của mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm (19986 – 2016), giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam 30 năm đổi mới của đất nước.
Thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam đa dạng về xu hướng và phong cách sáng tác, có dấu ấn cá nhân của tác giả.
Tại triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng các tác phẩm tiêu biển như "Thiếu nữ và đèn dầu" của Hoàng Hồng Cẩm, "Mộng du" của Nguyễn Quốc Hội", "Đêm hoa đăng" của Mai Duy Minh...

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: "Đổi mới đã khuấy động lên sự sáng tác mạnh mẽ, và khi thời gian gột rửa đi những rác rưởi thì vàng thau trở nên rõ ràng. Trước Đổi mới là thời kỳ của những danh họa lừng lững, nhưng sau Đổi mới đã sàng lọc làm nổi lên rất nhiều gương mặt, nhiều thể nghiệm, nhiều chất liệu trăm hoa đua sắc, đó là thành tựu rất lớn và không thể phủ nhận được của Đổi mới.

Triển lãm mang đến những tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau. Trong hình là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên "Cầu mưa" của Nguyễn Bảo Toàn. Họa sĩ sinh năm 1950 chia sẻ, đây là một tác phẩm tâm đắc nhất, tác phẩm “gan ruột” mà ông mang tới triển lãm lần này.
Tác phẩm "Hóa thạch sống Hồ Gươm" của Vương Văn Thạo. 

Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh (1984) là tác giả trẻ tuổi nhất tham gia triển lãm. Anh mang đến tác phẩm CHINH PHU. 
Họa sĩ Trần Trọng Vũ mang đến triển lãm tác phẩm cùng tên với triển lãm - "Mở cửa". Đây là tác phẩm sắp đặt vải nhựa được sáng tác năm 2016. Họa sĩ Trần Trọng Vũ quan niệm: "Chúng ta có thể làm nghệ thuật từ bất cứ chất liệu gì, kể cả những chất liệu mà chúng ta tưởng vứt đi như giấy, nilon, gỗ, sắt, tôi gọi đó là “chất liệu nghèo”. Tôi cũng rất muốn có sự tương tác trực tiếp của công chúng với tác phẩm của mình".
Họa sĩ Ly Hoàng Ly với một tác phẩm Public Art (Nghệ thuật công cộng): "Tôi không muốn tác phẩm của mình chỉ được nhìn như một bức tượng thông thường mà có thể tương tác trực tiếp đến người xem".

Tác phẩm "Giấc mơ hoa hồng" của họa sĩ Lê Anh Vân. Theo ông, từ thời điểm trước Đổi mới luôn tồn tại trong các nghệ sĩ thèm muốn một ngôn ngữ biểu hiện khác đi. Sự kiện giải phóng miền Nam năm 1975 là một yếu tố quan trọng để tạo ra sự đổi mới của nghệ thuật sau này. 
Họa sĩ Hứa Thanh Bình với tác phẩm "Bóng đêm và đàn ngựa hoang". Ông cho rằng ở triển lãm này chuyện tôn vinh tác giả là một khía cạnh thôi, nhưng việc cần hơn chính là định hình chính xác vị trí của Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm "Đối thoại" của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ. Với ông, hoạt động mỹ thuật những năm 1990 chính là giai đoạn của thế hệ mình và ông cảm nhận được sự nhiệt huyết và sự bùng nổ của Hội họa. Cả một thế hệ tâm huyết, đau đáu, nhiều nỗi niềm trắc ẩn đều gửi gắm vào sáng tác và cường độ lao động sáng tạo cực mạnh.

Tác phẩm "Hòa tan 3 trong 1" của họa sĩ Trần Lương được nhiều khán giả nước ngoài chú ý.

Tác phẩm "Hạt gạo" của họa sĩ Lê Thiết Cương. Triển lãm "Mở cửa" sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 28/9.