Đốt gốm bằng lò là việc làm chưa từng có, gần đây đã diễn ra tại làng gốm Chăm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây chỉ là một trong những đột phá của chàng trai Vạn Quan Phú Đoan, dân tộc Chăm, quê ở thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước, đang mở ra hướng phát triển mới cho gốm Chăm Bàu Trúc đang trên đường mai một.

Dù không sinh ra ở làng gốm nhưng vì yêu nghề cổ truyền của dân tộc, nên sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Vạn Quan Phú Đoan đã nung nấu quyết tâm vực dậy một làng nghề đang trên đường mai một với ý tưởng nung gốm bằng lò thay cho nung lộ thiên truyền thống.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công tỉnh Ninh Thuận, anh đã thành lập Công ty và vay gần 200 triệu đồng để xây lò nung gốm. Với cách nung mới, gốm chín đều, màu sắc tươi, không bị rạn nứt, đặc biệt là cùng một lúc nung được hàng nghìn sản phẩm kích cỡ khác nhau… Kết quả này đã khắc phục được những nhược điểm của cách nung truyền thống trước đây, giúp cho gốm Bàu Trúc có chất lượng hơn, tiêu thụ dễ hơn.

Nghệ nhân Đàng Thị Luận thôn Bầu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) - người nổi tiếng với những bình gốm Chăm lớn đạt kỷ lục Guiness Việt Nam đánh giá rất cao cách làm mới của anh Đoan và tự nguyện hợp đồng với Công ty anh để sản xuất gốm. Nghệ nhân Đàng Thị Luận cho biết: “Trước đây chưa có lò nung của anh Đoan, hàng nung ra chưa đẹp, nay có lò nung của anh Đoan, hàng nung ra rất đẹp và dễ bán”.

Gốm Chăm Bàu Trúc được nhiều người biết đến nhờ vẻ nguyên sơ, đậm đà bản sắc văn hóa Chămpa; tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những vật dụng sinh hoạt thì không thể cạnh tranh nổi trên thị trường. Hiểu rõ điều này, anh Đoan vẫn dựa trên cách nặn gốm truyền thống nhưng đã tập trung cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng mỹ nghệ với các sản phẩm chủ lực, như: bình phong thủy, đèn trang trí, tượng, tháp, phù điêu… nhờ đó, sản phẩm gốm của Công ty anh dễ tiêu thụ, giá trị cao gấp 5 đến 7 lần so với gốm thông thường. Với cách làm mới, Công ty của anh Đoan đã thu hút 8 cơ sở sản xuất gốm lớn nhất ở làng Bàu Trúc, đồng thời, giúp thay đổi cách làm gốm cho hàng trăm hộ khác.

Anh Đoan còn tích cực quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ gốm trong và ngòai nước thông qua việc thành lập trang web và tham gia các hội chợ, triển lãm, Festival… trong toàn quốc và đang hướng đến thị trường Australia. Ở đâu sản phẩm gốm của Đoan cũng được đánh giá cao. Khẳng định năng lực của mình, Công ty của anh đã làm 2 bình gốm Chăm cao 1,98m, nặng 180 kg với các nét văn hoá đặc trưng Chăm được xác nhận đạt kỷ lục Vietbook mới. Đây là 2 bình gốm Chăm lớn nhất Việt Nam được nặn hoàn toàn bằng tay.

Nhận xét về anh, ông Trần Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đánh giá, anh Đoan là người đầu tiên đột phá, thành lập một Công ty TNHH đầu tiên của làng, xây dựng được một lò nung gốm kiểu mới để nâng cao chất lượng sản phẩm gốm, là người có công rất lớn trong việc cải tiến mẫu mã và đưa sản phẩm gốm này đi tiêu thụ và quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài nước. Hiện nay anh Đoan đang chuẩn bị mở lớp dạy nghề cho nam thanh niên làm gốm mỹ nghệ.

Thành công của anh Đoan không chỉ là những Cúp vàng, danh hiệu, bằng khen của các cấp, mà thiết thực hơn là mỗi ngày ở thôn Bàu Trúc đã có hàng nghìn sản phẩm gốm được chở đi tiêu thụ khắp cả nước, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động và mở ra triển vọng mới cho làng gốm Chăm.

Nói về định hướng của công ty, anh Vạn Quan Phú Đoan cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục cải thiện mẫu mã, cải thiện chất lượng sản phẩm để mang gốm Bàu Trúc hướng tới xuất khẩu qua các nước và với lòng nhiệt huyết của mình hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chúng tôi có làm một cặp bình gốm và mang đậm đặc nét của văn hoá Chăm để gửi đến 1.000 năm Thăng Long”./.