Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, theo quan sát của những người thường xuyên chăm sóc cây ở khu di tích, cứ hai năm cây vạn tuế này ra thêm được một tán lá. Trong đó, một năm đầu cây ra búp, năm thứ hai búp trở thành tán.
Khi đếm số tán để lại trên thân thì cây vạn tuế này có tuổi khoảng 800 năm.
Theo văn bia tại chùa Thiên Quang, ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Trần có tên chữ là "Viễn Sơn cổ tự," đến thế kỷ 15 đổi tên thành "Thiên Quang thiền tự."
Qua một số lần trùng tu, ngôi chùa hiện nay mang tên chùa Thiên Quang.
Ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng. Người đã ngồi dưới bóng cây vạn tuế trước cửa chùa Thiên Quang nghe ông Thanh Quảng, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương và ông Song Hào, Chính ủy Đại đoàn Quân tiên phong báo cáo kế hoạch tiếp quản Thủ đô.
Sư cụ trụ trì chùa Thiên Quang cho biết, từ năm 1967 khi về ngôi chùa này, cụ đã thấy cây vạn tuế mọc thành 3 nhánh như ngày nay.
Cụ cũng cho biết, cứ 2 năm cây mới mọc được một tán. Cây vạn tuế hiện có chiều cao khoảng hơn 5m, cách mặt đất khoảng 1,5m thân cây mọc thêm hai nhánh, còn nhánh chính mọc thẳng lên cao.
Đường kính thân dưới gốc cây vạn tuế khoảng 35cm, đường kính ngọn chính khoảng 25cm, 2 nhánh có đường kính thân khoảng 20cm.
Thân cây có vỏ xù xì, mọc rêu bên ngoài. Phía ngọn của 3 nhánh đều có tán lá xanh tươi. Dưới gốc có thêm 1 cây nhỏ mới mọc từ gốc chính. Điều này báo hiệu cây vẫn có sức phát triển khá tốt.
Cây vạn tuế trồng ở ngay bậc lên xuống cửa chùa, thân cây nghiêng khoảng 30 độ. Do đó, năm 2009, khu di tích đã làm cột chống bằng thép để giữ cây không bị đổ.
Tại khu vực Đền Hùng có rất nhiều cây đại cao niên. (Ảnh: VBN) |
Trong khuôn viên Đền Hạ, Đền Trung cũng có một số cây đại khoảng vài trăm tuổi.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, nhiều người cho rằng dáng cây vạn tuế này mọc nghiêng và cong như hình chữ S, tuợng trưng cho bản đồ Việt Nam, 3 nhánh của cây tượng trưng cho ba miền của đất nước có chung một gốc - đó là Đất Tổ Vua Hùng.
Tiến sỹ Hạnh cho biết thêm, cây vạn tuế có tuổi đời lớn nhất trong các loài cây ở khu di tích, chứng kiến sự hội tụ của văn hóa Việt Nam tại nơi đất thiêng, đồng thời cũng là nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ và nghe Đại đoàn quân Tiên phong báo cáo kế hoạch tiếp quản Thủ đô.
Hiện tại, việc bảo vệ, chăm sóc cây vẫn được Khu di tích lịch sử Đền Hùng quan tâm để cây vạn tuế trường tồn, tiếp tục chứng kiến truyền thống "Uống nước nhớ nguồn," tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sự phát triển phồn thịnh của đất nước./.