Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes của Pháp hôm qua công bố danh sách 19 phim chính tranh các giải của Cành cọ vàng năm nay. Danh sách này hội tụ những tên tuổi nặng ký như đạo diễn Roman Polanski, anh em nhà Coen hay Steven Soderbergh. Tuy nhiên, không vì thế mà Liên hoan phim danh giá bậc nhất thế giới này mất đi những khám phá bất ngờ.

19 phim tranh Cành cọ vàng năm nay được ban tổ chức tuyển chọn từ 1858 phim được gửi tới Cannes trong những tháng qua. Thậm chí trước khi công bố phim tranh giải 12 tiếng vẫn có phim được gửi tới hy vọng giành được 1 Cành cọ vàng danh giá.

Cành cọ vàng dành cho Phim hay nhất trong mỗi kỳ LHP Cannes – Ảnh: Reuters.

Một trong những đạo diễn được kính trọng nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong làng điện ảnh, Roman Polanski quay trở lại mùa Liên hoan phim Cannes năm nay với bộ phim “Venus in Fur” (Thần vệ nữ trong bộ áo lông thú). Tác phẩm này được kỳ vọng sẽ mang lại Cành cọ vàng thứ hai cho ông kể từ sau chiến thắng của “The Pianist” (Nghệ sỹ Piano) năm 2002. Hai tên tuổi lừng danh khác là anh em nhà Coen, từng đoạt giải Cành cọ vàng năm 1991 với bộ phim “Barton Fink”, cũng mang tới Liên hoan phim Cannes năm nay tác phẩm “Inside Llewyn Davis”. Phim thu hút sự quan tâm với dàn diễn viên gồm 2 ngôi sao Caray Mulligan và Justin Timberlake. Đạo diễn Steven Soderbergh, nhà làm phim kỳ cựu từng gây tranh cãi tại Cannes năm 1989 với bộ phim giành Cành cọ vàng “Tình dục, những lời nói dối và băng video” (Sex, Lies and Videotape) cũng được quan tâm khi trở lại Liên hoan phim năm nay với “Phía sau ngọn chúc đài” (Behind the Candelabra”.

Mặc dù vậy, Đạo diễn nghệ thuật của Liên hoan phim Cannes Thierry Fremaux cho rằng, những “tên tuổi lớn” này chưa chắc đã định đoạt được “cuộc chơi” tại Liên hoan phim năm nay: “Những đội bóng lớn không bao giờ khinh suất trước những trận đấu lớn. Trong điện ảnh cũng vậy. Và Liên hoan Cannes là một trận đấu lớn. Chúng tôi muốn có sự lựa chọn hoàn hảo nhất có thể”.

Chủ tịch liên hoan phim Cannes năm nay, ông Gilles Jacob nhấn mạnh, “Cannes là vùng đất của sự chào đón” đối với mọi nhà làm phim trên thế giới dù ý tưởng của họ có thể bị đánh giá là nhạy cảm hoặc không phù hợp tại một quốc gia nào đó. Điều này thể hiện rất rõ với số lượng cũng như chất lượng những phim từ châu Á và châu Phi tham gia Liên hoan phim Cannes lần này.

Cộng hòa Chad là nước châu Phi duy nhất và cũng là lần đầu tiên có phim tham gia tranh giải chính tại Liên hoan phim lần này. Đó là tác phẩm mang tên “Grigris” của đạo diễn Mahamat Saleh Haroun, người tùng giành giải thưởng của giám khảo tại Liên hoan phim năm 2010. Trong khi đó, người Iran đầu tiên giành Giải thưởng hàn lâm cho bộ phim nói tiếng người ngoài năm ngoái “Một cuộc chia ly” (A Separation), đạo diễn Asghar Farhadi cũng ghi tên mình trong danh sách các giải thưởng chính của Liên hoan phim Cannes năm nay với bộ phim bằng tiếng Pháp “Quá khứ” (Le Passé). Phim có sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên người Pháp Berenice Bejo từng tham gia phim đoạt giải Oscar “Người nghệ sỹ” (The Artist).

Đại diện cho điện ảnh châu Á là “Thiên Trụ Định” (A touch of sin) của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha (Jia Zhangke), “Cha nào con nấy” (Like Father, Like Son) của đạo diễn người Nhật Kore Eda Hirokazu và “Lá chắn rơm” (Shield of Straw) của Takashi Miike

Đại diễn người Mỹ Steven Spielberg sẽ là chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm nay. Liên hoan phim Cannes năm nay diễn ra từ ngày 15-26/5 tới, mở màn bằng bộ phim 3D “The Great Gatsby” có sự tham gia của tài tử điện ảnh Leonardo Di Caprio và kết thúc bằng bộ phim kinh dị mang tên “Zulu” có sự góp mặt của Orlando Bloom với bối cảnh quay tại Nam Phi./.