- Biểu diễn “Ca trù đàn hát khuôn” tại Hà Nội
- UNESCO xét duyệt hàng năm mỗi nước được một hồ sơ di sản
- Giọng ca trù mượt mà của các nghệ nhân dân gian
Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vừa tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ 2012 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là dịp để các Câu lạc bộ Dân ca của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có cơ hội giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hoàn thiện hồ sơ trình Unessco công nhận Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. NSƯT Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đưa ra ý kiến biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm.
PV: Thưa ông, để gìn giữ và phát huy giá trị Di sản dân ca Ví, Giặm, tỉnh Nghệ An đã thực hiện những nội dung gì?
NSƯT Phạm Tiến Dũng: Để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ; trong nhiều năm qua, đề án đưa dân ca vào trong trường học từ năm 1999 của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có sự đồng thuận rất cao. Đầu tiên chúng tôi thực hiện thể nghiệm một loại hình kịch dân ca. Thứ 2, chúng tôi thực hiện một giáo trình phù hợp với từng làn điệu, nội dung cho từng lứa tuổi từ tiểu học, trung học, phổ thông… Hàng năm ở Nghệ An, chúng tôi đưa dân ca Ví, Giặm vào nội dung của lễ hội Làng Sen. Cuối cùng chúng tôi phục dựng lại không gian, môi trường diễn xướng các làn điệu cổ bằng việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ ở phường, xã.
PV: Đến thời điểm này tỉnh Nghệ An đã triển khai cho việc lập hồ sơ trình Unessco công nhận dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như thế nào, thưa ông?
NSƯT Phạm Tiến Dũng: Chúng tôi đã thành lập ban kiểm kê di sản của cấp tỉnh, các huyện trong toàn tỉnh cũng thành lập ban kiểm kê riêng. Hiện nay 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang bàn bạc và thống nhất sẽ thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức đưa dân ca Ví, Giặm vào cấp quốc gia. Sau đó lần lượt từng bước theo các quy trình mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình cấp cao.
PV: Trong quá trình lập hồ sơ trình Unessco công nhận dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc tìm lại lời hát cổ đã bị mai một được tỉnh Nghệ An tiến hành ra sao?
NSƯT Phạm Tiến Dũng:Tư liệu hiện nay chúng tôi có đều rất phong phú. Về cả tư liệu, băng đĩa hay đĩa tiếng chúng tôi đều ghi âm được rất nhiều tiếng hát của các nghệ nhân từ vài chục năm về trước. Về đĩa hình chúng tôi đã sưu tầm và ghi chép được từ các nghệ nhân từ những năm 80. Chúng tôi xây dựng rất nhiều đoạn phim tư liệu cần thiết làm cơ sở lập Hồ sơ công nhận Di sản dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, rất nhiều tư liệu của các nhà nghiên cứu: PGS Ninh Viết Giao, Nguyễn Đổng Chi, nhà nghiên cứu nhạc - sỹ Lê Hàm… họ đều là những người có công trình nghiên cứu về dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.
PV: Ông đánh giá như thế nào nếu Di sản dân ca Ví, Giặm lần này được vinh danh?
NSƯT Phạm Tiến Dũng: Trước hết đó là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Nhưng trách nhiệm đằng sau đó là cả một vấn đề. 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cần xây dựng một đề án làm thế nào để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị sau khi được vinh danh. Cho nên tôi thấy cái được nhất khi dân ca Ví, Giặm được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đó là sự khẳng định trách nhiệm của thế hệ sau với những giá trị mà ông cha đã sáng tạo nên.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!