Từ đó, một bảo tàng chứng tích chiến tranh tư nhân đã ra đời. Ông là Nguyễn Mạnh Hiệp, một cựu chiến binh của Sư đoàn 320B.
Trong những ngày tháng cả nước đang diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sỹ, chúng ta hãy cùng đến thăm bảo tàng tư nhân độc đáo này.
“Tốp thứ hai, chiếc thứ hai, cự ly 45, phương vị 60, hai quả liên tục dãn cách 6 giây, phóng”. 40 năm đã trôi qua, nhưng hiệu lệnh của cựu chiến binh Nguyễn Ao, một người lính thông tin năm xưa vẫn vang lên dõng dạc, rõ ràng. Những mệnh lệnh tưởng chừng đã lãng quên nhưng lại ùa về khi gặp lại những kỷ vật đã theo mình trong từng trận chiến giành độc lập cho dân tộc năm xưa.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại bảo tàng. |
Với đôi mắt ngấn lệ, cựu chiến binh Nguyễn Ao, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: “Tất cả những hình ảnh, những trận chiến mà chúng tôi đã từng chiến đấu trên từng mặt trận trở về ký ức của chúng tôi. Riêng với bản thân tôi là những chiến sỹ đã tham gia ba chiến dịch của trong cuộc kháng chiến chống mỹ đến hôm nay nhìn lại những kỷ vật cảm động, xúc động, tiếc nhớ đồng đội mình có nhiều đồng chí vẫn chưa về”.
Hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh, từ những vật dụng sinh hoạt đời thường, đến các loại vũ khí chiến tranh được cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp của Sư đoàn 320B dày công sưu tập trong suốt 20 năm. Ông Hiệp đã phải trở về những chiến trường xưa, tìm kiếm và thuê xe đưa về từng kỷ vật. Có lần đi sưu tầm ở Quảng Trị, kỷ vật đã tìm thấy rồi, nhưng mưa bão, nước ngập khiến ông phải ở lại gần nửa tháng trời mới về được.
Trong mỗi hành trình sưu tập kỷ vật của ông là người bạn đời đã thấu hiểu và giúp đỡ ông. Bà Phan Thị Hồng Liên, vợ cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp cho biết: “Ý niệm của chồng tôi muốn làm việc này để nhớ lại đồng đội, gia đình tôi rất ủng hộ, chúng tôi cũng góp những phần nho nhỏ, mặc dù không đáng bao nhiêu để chồng tôi tiếp tục cuộc hành trình của các kỷ vật của các đồng đội”.
Mỗi kỷ vật trong bảo tàng chứng tích chiến tranh tư nhân của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp đều mang theo những câu chuyện lịch sử hào hùng gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Ông mong muốn, bảo tàng sẽ là nơi giáo dục về lịch sử và truyền thống của dân tộc.
Trong niềm cảm xúc nhớ về đồng đội xưa, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp nói:“Cứ mỗi lần sáng ra mà nhìn thấy các kỷ vật tôi lau chùi, tôi lại nhớ đến các đồng đội, nhớ đến anh em đã cùng chiến đấu với nhau, còn các đồng chí hy sinh còn nằm lại chiến trường chưa về được”.
Ở cái tuổi 67, đã phải trải qua 3 cơn đột quỵ cùng những vết thương chiến tranh vẫn nhói lên mỗi khi trái gió, trở giời nhưng người lính già Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn tận tụy bên bảo tàng chứng tích chiến tranh của mình. Xây dựng bảo tàng tư nhân này chính là sự tri ân của ông với những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường xưa./.