Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt nam cho biết, từ năm 1974, sau khi quần đảo Hoàng Sa lúc đó do chính quyền Sài Gòn quản lý, bị Trung Quốc xâm chiếm, Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã bắt đầu quan tâm đến đề tài này.
“Trong mấy năm gần dây, Tiến sĩ Nhã có nhiều bài viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tham dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về Biển Đông. Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã là một trong những chuyên gia hàng đầu về Hoàng Sa-Trường Sa, đã có bề dày nghiên cứu gần 40 năm về vấn đề này”, Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định.
Công trình Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, là tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu của tác giả trong hơn 40 năm qua, đúc kết trên cơ sở luận án Tiến sĩ năm 2003 và các kết quả nghiên cứu cập nhật của tác giả.
Nguồn tư liệu mà tác giả khảo cứu rất phong phú, đa dạng, không chỉ của người Việt Nam mà còn của người phương Tây, và của chính người Trung Hoa.
Nghiên cứu một cách hệ thống các nguồn tài liệu Hán – Nôm từ trước năm 1909 (năm bắt đầu nảy sinh vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa) bao gồm các châu bản, văn bản hành chính (trong đó có những văn bản được các vua nhà Nguyễn “ngự phê” hoặc “ngự lãm) từ trung ương đến địa phương, sách điển chế, chính sử, sách địa chí, và hệ thống bản đồ hành chính, các tài liệu trong nước và ngoài nước liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ trước đến nay, tác giả đã giúp bạn đọc nắm được quá trình phát hiện, sở hữu thật sự, thực thi chủ quyền bằng việc quản lý điều hành, tổ chức các đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải hằng năm khảo sát, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, khai thác tài nguyên và thủy quân với sự hỗ trợ của các dân binh Hoàng Sa, xây dựng chùa miếu, cắm cột mốc, dựng bia, trồng cây… xem đó là biểu tượng chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam qua các thời kì.
Phương pháp nghiên cứu của tác giả tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, nâng niu trân trọng những sử liệu vô giá mà không có một quốc gia nào có được. Những sử liệu này thể hiện ý chí, khí phách của nhiều thế hệ Việt Nam – những chủ nhân đầu tiên đã phát hiện, sở hữu thật sự hiệu quả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những sử liệu này hùng hồn chứng minh: Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ nối tiếp nhau liên tục khẳng định chủ quyền, thực thi quản lí hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo nguyên tắc công khai trong hàng mấy trăm năm, mà từ năm 1909 trở về trước không có một quốc gia nào đặt ra vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Theo giáo sư Phan Huy Lê, tác giả đã dày công thu thập các tư liệu liên quan từ những văn bản có tính lịch sử và pháp lí cao như châu bản triều Nguyễn, những văn bản thực thi chủ quyền của chính quyền Tây Sơn, chính quyền nhà Nguyễn, chính quyền Pháp cho đến các tư liệu lịch sử trong kho tàng thư tịch cổ của Việt Nam, của phương Tây, của Trung Quốc, những tư liệu lưu giữ trong dân gian… Tác giả cũng thu thập cả tư liệu và bản đồ cổ của Trung Quốc để chứng minh cho đến trước năm 1909, Trung Quốc chưa bao giờ coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ của họ.
“Bằng cách hệ thống và phân tích những nguồn tư liệu phong phú đó, tác giả đã đưa ra các luận chứng khoa học và pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là giá trị của công trình và đóng góp to lớn của tác giả”, giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Đọc sách Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bạn đọc có thể hiểu rõ: chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được xác lập từ lâu, đó là sự thật lịch sử và điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã bày tỏ, thông qua nội dung cuốn sách, ông mong muốn giúp thầy, cô và học sinh, sinh viên Việt Nam hiểu thấu đáo hơn về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này. Việt làm này cũng nhằm vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia quảng bá sự thật lịch sử, kiên trì đầu tranh cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chất men yêu nước, khơi gợi tinh thần dân tộc để các thế hệ người Việt phải nhận thức rõ, nỗ lực hết sức mình, góp phần cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục đích bảo vệ chủ quyền và tiến tới trở thành quốc gia mạnh về biển./.
Cùng trong loạt bài:Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường SaBài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường SaBài 3: Bản đồ cổ Việt Nam – chứng cứ “thép” về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường SaBài 4: Sử liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường SaBài 5: Thế giới đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường là của Việt Nam ra sao? Bài 6: SGK Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải NamBài 7: Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã đưa Hoàng Sa vào SKG dạy cho trẻ nhỏBài 8: Clip: Nhà nước Phong kiến Việt Nam dạy trẻ nhỏ về chủ quyền Hoàng Sa thế nào?