Việt Nam được coi là một trong những cường quốc nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới, khi mà hàng năm các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đạt được hàng chục, thậm chí tới cả trăm giải thường ở các cuộc thi lớn bé các loại trên trường quốc tế. Thế nhưng, nhìn vào thực tế nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là qua hoạt động sáng tác, các cuộc thi, triển lãm trong nước, có thể thấy có quá nhiều vấn đề không tích cực. Nói một cách khác, nhiếp ảnh Việt Nam đang mắc nhiều căn bệnh trầm kha.
Bệnh nhàm
Bệnh nhàm là căn bệnh kinh niên đã có từ rất lâu và chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp. Đó là các nội dung, đề tài giống nhau, địa điểm giống nhau, khung cảnh, bố cục giống nhau, thậm chí cái tên ảnh cũng từa tựa nhau nốt.
Trong các cuộc thi, triển lãm ảnh nghệ thuật nhiều năm qua, từ những ảnh tham gia cho tới ảnh vào vòng triển lãm, ảnh đoạt giải có vô số những kiểu ảnh gánh gồng trên đồi cát Mũi Né – Bình Thuận, ảnh đội nước trên đồi cát Nam Cương – Ninh Thuận, ảnh đẩy xiệp ở Bạc Liêu, ảnh cất vó ở Châu Đốc – An Giang mùa nước nổi, ảnh tung chài trên sông ở Thừa Thiên - Huế, ảnh mấy anh lính đảo xúm vào đọc thư – báo, ảnh công an dắt người già qua đường, ảnh thiếu nhi cùng nhau vẽ cái gì đấy, ảnh cô nữ sinh mặc áo cử nhân giơ tấm bằng tốt nghiệp… Tất cả cứ lặp đi lặp lại thành quen thuộc đến mức nhàm. Cuộc thi nào cũng có, ở đâu cũng có, năm nào cũng có.
Người sau thấy người trước được giải với ảnh đề tài đó lại bắt chước theo, với tinh thần… càng giống càng tốt? Tất nhiên, khung cảnh đẹp thì ai cũng thích chụp nhưng nếu là người làm sáng tạo chuyên nghiệp thì không nên thế, mà luôn phải cố gắng đổi mới, khác đi.
Trong Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2014, có tới 4 bức ảnh (trong tổng số 199 ảnh triển lãm) chụp hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) với khung cảnh, góc chụp, thời chụp, bố cục, ánh sáng na ná như nhau. (Theo tập vựng “Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2014” - Bộ VH-TT-DL & Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh VN)
Nhiếp ảnh gia, nhà lý luận phê bình ảnh Vũ Huyến cho rằng đây là căn bệnh lối mòn trong sáng tác của nhiếp ảnh Việt.
Bệnh “diễn”
Hay nói cách khác là dàn dựng, set up. Đây cũng là một căn bệnh nặng và nguy hiểm vì nó lây nhiễm sang cả ảnh báo chí. Điều đáng nói là trong số rất nhiều tay máy ở Việt Nam, nhiều người vừa là phóng viên ảnh báo chí vừa sáng tác ảnh nghệ thuật. Tất nhiên ảnh nghệ thuật thì không cấm “diễn”, không đòi hỏi trung thực tuyệt đối như ảnh báo chí. Và một số ý tưởng nghệ thuật cần phải dàn dựng để thực hiện. Song việc quá sa đà vào “diễn” khiến cho ảnh nghệ thuật trở nên gượng gạo, sống sượng, xa rời cuộc sống. Ảnh chụp lao động, sản xuất, ảnh sinh hoạt, ảnh đời thường thì nền tảng vẫn là sự thật.
Sáng tác kiểu đổ bộ, chụp ảnh “diễn”. Bức ảnh hậu trường này lại đoạt giải trong Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội – 2016. |
Bản thân nghệ thuật nhiếp ảnh đã là một môn nghệ thuật ghi chép sự thật, trung thực, khác với những bộ môn khác như hội hoạ, âm nhạc – có thể tự do sáng tạo hơn. Chất liệu của nhiếp ảnh là thiên nhiên, là cuộc sống, là con người… – là những vật thể hữu hình. Có thể thấy rất nhiều những ảnh “diễn” trong các cuộc thi: Ảnh các cô áo dài đứng làm dáng ở phố sấu Phan Đình Phùng, đường bằng lăng Kim Mã, bên Hồ Gươm (Hà Nội), ảnh lính đảo đọc thư – báo, ảnh cô gái mặc áo cử nhân giơ tấm bằng tốt nghiệp, ảnh ông bà già Tây Nguyên da nhăn nheo… Có thể nhận thấy dễ dàng rằng bệnh “diễn” quan hệ chặt chẽ với bệnh nhàm như đã đề cập ở trên.
Trong giới nhiếp ảnh ai cũng biết gồng gánh ở Mũi Né Phan Thiết, đội nước ở đồi cát Nam Cương Ninh Thuận, quăng chài ở Thừa Thiên - Huế… đều là diễn. Có một đội ngũ các người mẫu chuyên làm mấy việc này cho mấy ông chụp ảnh. Mới đây trên báo Tuổi trẻ, chính nhiếp ảnh gia Trương Vững (Thừa Thiên - Huế) đã công khai thừa nhận việc anh là người môi giới cho hầu hết các vụ ảnh quăng chài ở Huế hơn mười năm qua, giữa “người mẫu” và các nhiếp ảnh gia khi tới Huế sáng tác. Câu chuyện tệ hơn khi bắt đầu có lùm xùm quanh chuyện có những nhóm nhiếp ảnh nhà giàu phá giá với “người mẫu”, gây khó khăn cho những người khác.
Bản thân người viết bài này đã từng chụp ảnh quăng chài trên sông ở Thừa Thiên - Huế trong một bối cảnh tự nhiên, và chụp một mình. Nhưng khi ngư dân phát hiện có người chụp ảnh, họ đã dừng ngay công việc, tiến đến đòi tiền và ra điều kiện trả tiền thì mới làm tiếp.
Nhà thơ Văn Công Hùng, một người sống lâu năm ở Tây Nguyên, gắn bó và nghiên cứu nhiều về văn hoá Tây Nguyên đã từng chia sẻ rằng: Những tấm ảnh về Tây Nguyên mà các nhiếp ảnh gia chụp không phản ánh đúng thực chất lối sống, sinh hoạt của Tây Nguyên hiện tại. Phụ nữ Tây Nguyên, dù già hay trẻ bây giờ không để trần bầu ngực nữa. Kể cả mặc trang phục truyền thống cũng rất ít thấy mà đa phần họ mặc như người Kinh. Thế nhưng các nhiếp ảnh gia cứ bắt họ ở trần để… chụp ảnh.
Việc thuê “người mẫu” cho sáng tác nhiếp ảnh trở thành một hệ luỵ khó chịu cho ngành du lịch, khi rất nhiều nơi như ở Sa Pa, Đồng Văn, Hội An… hễ khách du lịch máy ảnh lên hướng về những người bản địa là họ đòi tiền (dù không có diễn theo yêu cầu)
Bệnh giống hệt
Có những tấm ảnh giống nhau đến kỳ lạ, như sinh đôi, thậm chí là sinh ba, sinh bốn… Nguyên nhân là do nhiều tác giả đi chụp ảnh cùng nhau, chọn cùng bối cảnh, góc chụp và thời chụp. Và nữa, họ cùng thuê mẫu, cùng dàn dựng và cùng “sáng tác”. Nhóm ít thì đôi ba người, nhóm nhiều thì tới hàng chục người. Những cuộc “offline” kiểu này có ở cả những nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp và các tay máy chơi ngang trên các diễn đàn ảnh.
Có những người khó tính và cực đoan gọi đây là kiểu sáng tác “đổ bộ” hay chụp ảnh “bầy đàn”. Tất nhiên luật chả cấm chụp ảnh cùng nhau, cũng không cấm ảnh giống nhau. Nhưng một người làm sáng tạo chuyên nghiệp và có lòng tự trọng, có cái tôi riêng, hẳn anh ta không muốn tác phẩm của mình giống của ai hết. Trong giới nhiếp ảnh, nhiều người biết một giai thoại về nghệ sỹ nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh. Chuyện kể rằng cụ Võ đã chụp một góc ảnh rất đẹp ở Sa Pa, có cây đào. Sau khi chụp xong cụ đã chặt cây đào đi để không ai có được bức ảnh giống của cụ. Tạm đặt yếu tố tiêu cực của việc chặt cây, “huỷ mẫu” của tác giả sang một bên, thì điều đó cho thấy một sự tự tôn, độc lập trong sáng tác, một cá tính rất mạnh mẽ của người sáng tạo.
Năm 2013, tại Liên hoan ảnh khu vực Bắc Miền Trung, đã có một vụ lùm xùm kiện cáo về bức ảnh đoạt huy chương vàng. Theo diễn biến của vụ việc, khi một tác giả đứng tên ảnh nhận giải thì có hai người khác cùng nhận là tác giả của bức ảnh đó. Rồi sau đó các tác giả phải chứng minh, tường trình rất nhiêu khê. Nguyên nhân sau cũng làm sáng tỏ, bởi việc đứng cùng góc và đưa máy nhờ nhau chụp, cho nhau ảnh. Kết quả giải thưởng bị thu hồi, các tác giả hội viên bị phê bình cảnh cáo. Sự việc đó là một dấu ấn không đẹp cho nhiếp ảnh miền trung, cụ thể tại cố đô Huế.
Bệnh photoshop
Photoshop là tên một phần mềm chuyên nghiệp để chỉnh sửa ảnh, là một công cụ đắc lực của những nhà nhiếp ảnh thời hiện đại với nhiếp ảnh kỹ thuật số, thay cho kỹ thuật buồng tối truyền thống đang lùi dần vào quá khứ. Photoshop không có tội nếu như người ta sử dụng nó đúng chỗ, đúng cách. Trong nhiếp ảnh nghệ thuật photoshop rất cần thiết để chỉnh sửa ảnh ở nhiều công đoạn, như cắt cúp, chỉnh sáng tối - tương phản, chỉnh màu sắc… Tuy nhiên với giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, photoshop bị lạm dụng với mức độ rất cao.
Bức ảnh “Hoạ sỹ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như – Huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội 2016, bị tố dùng photoshop. Tác giả đã xin rút khỏi giải thưởng. |
Nhiều nhiếp ảnh gia thừa nhận rằng ảnh không thể đẹp nếu không photoshop, “shop” là lẽ đương nhiên. Không dừng lại ở việc cắt cúp, chỉnh sáng tối, màu sắc, nhiều người dùng “shop” để lắp ghép, thêm bớt sai thực tế, đổi trắng thay đen, biến vịt thành thiên nga… Nhiều bức ảnh được thay cả bầu trời, thêm cả nguồn sáng, thêm bớt nhân vật, đối tượng trong ảnh. Có nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phong cảnh đã chia sẻ rằng đi tới đâu thấy trời đẹp là phải chụp bầu trời, để dành làm một thư viện trời mây, khi nào cần ghép vào những khung cảnh mà thời tiết xấu, trời không đẹp.
Photoshop là một con dao hai lưỡi. Mọi việc sẽ trở nên xấu hổ bẽ bàng nếu như công đoạn photoshop làm ảnh quá sai lệch bị phát hiện. Thực tế là xử lý ảnh không hề dễ nếu như dùng công cụ này để cắt ghép. Bởi khi cắt ghép, thêm bớt đối tượng, sẽ phải tuân thủ theo luật phối cảnh (luật xa gần), với những nguyên tắc điểm tụ, đường chân trời; theo nguyên lý ánh sáng với bóng đổ, bóng in, bóng bản thân… Nếu chỉ là người chụp ảnh bình thường, ít người biết điều này; mà phải là dân kiến trúc, mỹ thuật hay nhiếp ảnh được đào tạo chuyên nghiệp mới nắm rõ.
Nhiều người đã từng ngã ngửa khi thấy những bức ảnh gốc và ảnh sau photoshop, bởi vịt đã hoá thành thiên nga. Năm 2011, từ một vụ kiện ăn cắp ý tưởng chụp ảnh của nghệ sỹ Minh Lộc đối với nghệ sỹ Trần Lam, nghệ sỹ Trần Lam buộc phải đưa file ảnh gốc tác phẩm “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” - được gọi là “bức ảnh triệu đô” – ra hội đồng thẩm định. Và tất cả cùng quá bất ngờ vì khả năng photoshop siêu việt đến vậy. Không nói đến kết quả vụ kiện, nhưng “bức ảnh triệu đô” tự nhiên mất hẳn giá trị trong lòng khán giả.
Mới đây nhất, trong Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội 2016, vừa công bố giải thưởng; bức ảnh “Hoạ sỹ Phan Kế An” đoạt huy chương vàng đã bị tố photoshop, chỉnh sửa vụng về, làm sai lệch nội dung tác phẩm. Luận cứ có lẽ chặt chẽ và điều đó là đúng sự thật nên tác giả Nguyễn Đắc Như đã gửi thư tới Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội xin rút giải thưởng.
Bệnh chụp mà không hiểu gì
Máy ảnh bây giờ không phải là đồ xa xỉ nữa. Mức sống tăng lên, công nghệ số phát triển và sự phổ cập internet khiến cho ai cũng có thể trở thành “nhiếp ảnh gia”. Thế giới như vậy và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song để trở thành một nhiếp ảnh gia hay nghệ sỹ nhiếp ảnh thực thụ là điều không hề dễ. Nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật.
Trong quản lý ngành, nó thuộc ngành Văn hoá (Bộ VH-TT-DL). Nói như vậy để thấy rằng, biết chụp ảnh và chụp ảnh đẹp chưa đủ, mà người cầm máy phải có năng khiếu thẩm mỹ, nền tảng văn hoá nhất định mới có thể định danh nghiêm túc là nghệ sỹ nhiếp ảnh hay nhiếp ảnh gia. Trong thời buổi nhà nhà chụp ảnh, người người chụp ảnh ở Việt Nam hiện nay, có quá nhiều nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia chưa xứng tầm, ở góc độ tri thức và văn hoá. Rất nhiều người chụp ảnh chỉ lấy được, nhắm mắt chụp, bấm máy liên hồi mà không tìm hiểu, không biết gì về cái mình chụp. Rồi chụp xong cũng chả biết nó là gì, như thế nào - nhất là những đối tượng chụp là di sản kiến trúc, các chủ đề văn hoá, lịch sử. Có thể thấy rõ qua những tên ảnh được đặt.
Rất nhiều tấm ảnh chụp cây lộc vừng thay lá ở Hồ Gươm, hay phố Phan Đình Phùng mùa lá sấu rụng (Hà Nội), được đặt tên là “Hà Nội thu”, “Thu Hà Nội”, hay “Lá rụng mùa thu”… Điều này là không đúng vì cây lộc vừng thay lá vào tiết đông sang xuân, cận trước hoặc sau Tết Nguyên đán, tầm tháng 2 dương lịch; còn mùa lá sấu rụng ở Hà Nội rơi vào tiết hết xuân sang hè, tầm cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch. Hình như biết vậy mà nhiều người vẫn cứ gọi là mùa thu, nhiều báo cũng lấy những khung cảnh này để minh hoạ cho mùa thu Hà Nội. Thật khó hiểu???
Rất nhiều khách du lịch đến Huế, trong đó không ít tay nhiếp ảnh đứng ở cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền hay ở chùa Thiên Mụ chụp sông Hương và dãy núi xa thuộc dãy Trường Sơn ở phía tây, đặt tên ảnh là “Sông Hương núi Ngự”. Họ hoàn toàn không biết rằng núi Ngự (Ngự Bình) là ngọn núi nhỏ ở trước Kinh thành Huế, nằm ở bờ nam sông Hương.
Trong cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Di sản Việt Nam - 2011”, có một tấm ảnh triển lãm có tên là “Hầm mộ cổ di tích Mỹ Sơn” (tác giả: Bùi Đăng Thanh), chụp bên trong một ngôi tháp, hiện là phòng trưng bày điêu khắc Mỹ Sơn (Theo tập vựng “Ảnh nghệ thuật ‘Các di sản thế giới của Việt Nam’” 2011 - Bộ VH-TT-DL). Cái tên chứng tỏ người chụp không hiểu gì về thánh địa Mỹ Sơn. Đây là một quần thể đền tháp có chức năng thờ cúng - tín ngưỡng, chứ không có cái gì gọi là hầm mộ cả.
Cũng trong cuộc triển lãm này, có bức ảnh tên là “Thăm thành cổ Đoan Môn” (Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hiền), chụp ảnh Đoan Môn trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Xin phép được thưa rằng không có cái nào gọi là “Thành cổ Đoan Môn” cả. Đoan Môn là một kiến trúc cổng, là lối vào chính của Cấm thành của Hoàng thành Thăng Long (Đời Lý - Trần - Lê) và Hành cung của thành Hà Nội thời Nguyễn.
Trong triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25 – 2008 có một tấm ảnh triển lãm có tên là “Vượt Mai Hoa thôn” (tên tiếng Anh trong sách là: Across Mai Hoa mountain village, tác giả: Ngô Quang Phúc), chụp hai người đầu đội hình sư tử đang bay lên trong điệu múa cổ truyền.(Theo tập vựng “Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25 - 2008” - Bộ VH-TT-DL & Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh VN).
Lại phải thưa rằng không có điệu múa nào là “Mai Hoa thôn” cả (theo nghĩa “thôn” là thôn, làng, bản - tiếng Anh là “village” như sách in). Chỉ có điệu múa “Mai Hoa thung” (梅花樁) với “thung” nghĩa là cọc, cột, trụ. Đây là điệu múa biến thể từ một công phu tập luyện võ thuật nổi tiếng của võ thuật Trung Hoa, mà người múa di chuyển, nhảy múa trên đầu gậy. Điệu múa này ở Việt Nam vẫn được duy trì bởi một số vũ đoàn truyền thống người Hoa ở TP Hồ Chí Minh.
Còn rất nhiều những tên ảnh, sai lệch, ngô nghê như vậy, chứng tỏ người chụp không để ý, quan tâm đến ý nghĩa, nội dung…, không hiểu gì về cái mình chụp, mà chỉ bấm máy lấy được. Có một nhiếp ảnh gia đã nói rằng: tấm ảnh, nó ra đời khi hình thành cái nhìn từ mắt, sự rung động của con tim, việc xử lý của bộ não và cuối cùng mới là thao tác của những ngón tay. Còn nếu hình thành từ mắt đến trực tiếp những ngón tay thì nó không thể là tác phẩm hoàn chỉnh. Điều này có lẽ đúng!/.
Bộ ảnh nghệ thuật đẹp về những người mắc bệnh bạch tạng