Bây giờ, khi sống cùng mẹ chồng và em chồng trong căn nhà thuê vỏn vẹn 25m2, tôi thấy thật sự tù túng, ngột ngạt.
Khi tôi sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc em chồng thi đậu đại học. Nhà có gác xép nên hai vợ chồng bảo em lên ở cùng, vừa để em quen dần với cuộc sống xa nhà, vừa là để chị em giúp đỡ nhau.
Ảnh minh họa. |
Rồi ngày em chồng nhập học, mẹ chồng cũng lên luôn. Bà bảo “Em con còn đi học, lo việc nhà sẽ ảnh hưởng tới học tập. Mẹ lên đây ở cùng mấy đứa, nhân tiện trông cháu cho mà đi làm”. Lời mẹ nói như thánh chỉ, dù có lăn tăn nhưng tôi sao dám ý kiến.
Nhà chật nên tôi luôn đơn giản hóa mọi thứ. Tôi chỉ mua những gì thực sự thiết thực. Đồ nào không dùng tới tôi nhất định không giữ lại trong nhà. Từ ngày mẹ và em chồng lên, nếp sống của tôi bị đảo lộn hoàn toàn.
Tính tiếc của, thứ gì bà cũng giữ lại, từ lon bia cho tới túi bóng, thùng bìa giấy…Thứ thì treo cánh cửa, thứ nhét gậm giường, thứ lại để trong nhà tắm,… nhà tôi giống như chiếc “thùng rác di động”.
Đã vậy, em chồng tôi còn tích cực vẽ việc cho tôi làm. Quần áo, túi sách đi học về mỗi nơi quẳng một chỗ. Đồ phơi khô cũng chẳng khi nào rút vào, gấp gọn gàng. Hễ tôi nhờ làm gì thì y rằng em đang học bài hoặc em đau đầu.
Có trẻ nhỏ trong nhà, tính lại ưa sạch sẽ, ngăn nắp nên tôi nhiều lần góp ý với mẹ và em chồng. Mỗi lần như vậy, em chồng lại bênh khiến mẹ chồng thêm động lực ne nẹt tôi. Thế là, chẳng những không thay đổi được gì, tôi còn bị mang tiếng khó tính, hoang phí, hỗn láo với mẹ chồng.
Con cái, công việc đã khiến tôi uể oải, giờ lại phải lo làm osin cho chu đáo. Cô em chồng suốt ngày bày bừa, còn tôi tối ngày lo dọn dẹp, thử hỏi làm sao tôi chịu được?
Chưa kể tới việc, mỗi khi tôi nhắc em chồng, mẹ chồng lại nói bóng nói bóng gió. Bà vu vơ với con gái, nào là “Cứ tiếc cái Hà vì nó ngoan ngoãn, hiền lành. Ngày trước có nói gì nó, nó cũng cười cười rồi gật đầu làm theo. Hiếm khi nó ca thán, nặng lời với ai”.
Bà nói vậy tôi biết bà đang so sánh tôi với cô người yêu trước của chồng. Tôi nghe mà thấy chạnh lòng xen lẫn tủi thân, tôi cố ngăn nước mắt trào ra.
Đôi lần tôi tâm sự với anh “Hai chị em khó hòa hợp nhau quá, ở cùng em lâu ngày em sợ sẽ sinh chuyện. Hay mình thuê cho cô ấy một phòng gần đây. Như vậy, vừa cho cô có không gian riêng, thoải mái, vừa giúp cô biết cách sống tự lập”.
Không hiểu anh với mẹ trao đổi thế nào, tối đó anh nặng nhẹ với tôi. Anh bảo “Nhà chật nhưng đầm ấm, em đừng nói lại chuyện thuê nhà nữa. Nó là con gái còn trẻ, ở một mình không an toàn. Mà làm thế mẹ lại nghĩ mình khó chịu vì mẹ và cô ở đây”.
Chuyện thực tế vậy, chồng tôi cũng chẳng hiểu và thông cảm cho tôi. Nếu tôi kể anh nghe mẹ hay nhắc về người yêu cũ, rồi nhiều thứ bóng gió khác, không biết anh sẽ nói gì? Trong căn nhà nhỏ của chính mình mà sao tôi thấy mình sống như kẻ xa lạ, đơn độc.
Tôi và anh ít trò chuyện. Phần vì chúng tôi thiếu đi tiếng nói chung, phần vì tôi sợ tâm trạng không thoải mái lại giận cá chém thớt sang anh. Còn anh lúc nào cũng vùi mình vào công việc.
Hồi cuối tháng, công ty anh tổ chức chuyến du lịch. Gặp tôi, đồng nghiệp cơ quan khen anh nức nở. Họ bảo anh là anh hùng của cả phòng. Hễ có chuyến công tác xa, dài ngày, chỉ cần nhờ là anh sẵn sàng đồng ý đi thay. Tươi tỉnh cảm ơn mọi người nhưng trong lòng tôi không hề vui. Hóa ra, bấy lâu nay anh đi công tác triền miên ngày tháng là vì như vậy.
Đã vậy, cứ cuối tuần, mẹ chồng thi thoảng lại than thở “Chồng con lúc nào cũng vất vả. Vì lo kiếm tiền để vợ con sung sướng nên nó chẳng có ngày nào nghỉ ngơi, tới ở nhà cũng không có thời gian”. Mẹ xót con âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng bà đâu có biết, cũng đâu có hiểu vì sao con trai bà lại biến mình thành người như vậy.
Tôi đã “lột sạch” gã người yêu sau khi bị “đá” quá phũ phàng
Cuộc sống gia đình sao giống như một chiến trận với hai chiến tuyến tới vậy? Đi làm về, tôi lao đầu vào cơm nước, dọn dẹp, chăm con, chẳng trò chuyện nổi với ai. Mọi người ngồi chung một mâm cơm mà như cách xa nhau cả cây số. Không phải tôi đổ lỗi cho mẹ chồng, em chồng hay chồng.
Mọi chuyện đều có căn nguyên từ cả hai phía. Về phần mình, tôi cũng đã cố gắng, nhưng càng cố, tôi càng thấy mình bị đẩy ra xa, một mình một chiến tuyến trong ngôi nhà./.