Theo phong tục dân gian, hàng năm, cứ đến 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra của năm cũ với Ngọc Hoàng. Vì thế, trong ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo, các gia đình nên lưu ý những việc sau:

0_qjkb.jpg
Ảnh minh họa

Nên cúng lễ ông Táo vào lúc nào?

Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự - Phó Trường Ban thường trực Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo VN cho biết, theo tục lệ xưa, người dân thường cúng ông Táo vào trưa 23 tháng Chạp. Cúng sớm với ý nghĩa tiễn ông Táo chầu trời sớm để công việc được nhanh chóng. Đến đêm 30 ông Táo sẽ về nhà sau khi hoàn tất mọi việc báo cáo với Thiên đình.

Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà, có thể cúng ông Táo trước 12h ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cỗ cúng ông Táo cần chuẩn bị những gì?

Cỗ cúng ông Táo thì tùy duyên, tùy điều kiện gia đình, có gì cúng nấy, Hòa thượng Thích Thanh Nhã cho biết.
Theo tập tục, mâm lễ cúng ông Táo không thể thiếu cá chép vì cá chép có khả năng hóa rồng đưa ông Táo về chầu trời. Ngoài cá chép, gia chủ cần sắm thêm vàng mã, quần áo cho 3 người (2 ông, 1 bà), có thể là hoa quả bánh trái, nhà giàu thì cúng cao lương mỹ vị, nhà nghèo thì cúng bát cơm, bát canh, chuyên gia phong thủy Nhật Minh (CLB Phong thủy Thăng Long) cho hay.
Ảnh minh họa

Mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống bao gồm các món cơ bản như gạo, muối, thịt vai lợn luộc, bát canh mọc, món xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, bưởi, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, tiền vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán).

Nói về việc cúng Táo quân nên cúng ở bếp hay ban thờ gia tiên, nhiều người cho rằng, ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cơm và đồ lễ cúng ở bếp.

Theo chuyên gia phong thủy Nhật Minh, ngày xưa bếp lửa của gia đình thường đặt ngay trong nhà, mọi người quây quần bên cạnh, nên đặt bên bếp cũng là trong nhà, nhưng giờ đây, bếp và nơi thờ tự tách biệt, nên mọi nhà vẫn nên đặt mâm cúng ông Táo trên bàn thờ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên nói đến đúng sai trong thờ tự bởi ở nhiều nơi có sự khác nhau, chúng ta cứ theo tâm mà làm, tâm sáng thì mọi sự sẽ sáng, tâm thành mọi sự sẽ lành./.