Tại tọa đàm Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc nhận diện và ứng phó do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) kết hợp cùng với Tổ chức CARE tại Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức, một nam sinh chia sẻ, cậu từng bị “gạ tình” bởi một người ông lớn tuổi khi họ cùng thực hiện một dự án. Dù 2 năm trôi qua, nhưng đến giờ, đó vẫn là nỗi ám ảnh, khiến nam thanh niên "rùng mình" mỗi khi nghĩ lại.

ga_tinh_1_bhgy.jpg
Tình trạng quấy rối tình dục có thể diễn ra ở ngay nơi làm việc. (Ảnh minh họa)

“Anh ta thừa nhận mình đã có vợ con, nhưng hôn nhân chỉ nhằm che giấu giới tính thật. Người đàn anh đó đã liên tục có hành động động chạm, thậm chí thẳng thắn đề nghị em trở thành bạn tình và hứa hẹn nếu đáp ứng sẽ giúp đỡ em sau này. Đó là lần đầu tiên em gặp phải trường hợp như vậy, nên đã rất hoảng sợ và luôn tìm cách né tránh cho đến khi hết dự án".

Một nữ sinh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết, thời gian thực tập tại một cơ quan báo chí, em từng gặp phải những sự gạ gẫm, quấy rối của đồng nghiệp nam, kèm theo những lời hứa hẹn sẽ giúp đỡ để hoàn thành tốt khóa thực tập. Tuy nhiên, sau nhiều lần từ chối, nam đồng nghiệp tỏ thái độ ra mặt và tìm cách gây khó dễ.

"Lúc ấy em không dám nói với bất cứ ai mà chỉ biết cố chịu đựng để hoàn thành khóa thực tập thật nhanh để thoát khỏi sự đeo đuổi của anh ta", nữ sinh cho biết.

Theo báo cáo của tổ chức Action Aid, thì 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. 

Một khảo sát của ILO trên một nhóm đối tượng nhỏ các ứng viên quản lý cấp trung cho thấy 17% trong số họ từng bị hoặc chứng kiến cấp trên đề nghị tình dục để đổi lấy sự thăng tiến trong công việc. Nạn nhân của quấy rối tình dục là cả nam và nữ giới, song tỷ lệ nạn nhân là nữ cao hơn nhiều so với nam giới. Tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục có thể diễn ra ở mọi nơi, bao gồm cả đường phố và nơi làm việc.

Những chia sẻ nhận được không ít sự ủng hộ. Tuy nhiên cũng có không ít phản hồi trái chiều với những câu chuyện này. Trong đó có cả những ý kiến đổ lỗi cho nạn nhân. Một nam thanh niên đặt câu hỏi: “Vậy trong trường hợp một số bạn nữ ăn mặc hở hang trước mặt các bạn nam thì đó có phải quấy rối tình dục không"?

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA khẳng định: “Không ai cấm những bạn nữ không được ăn mặc hở hang, quan trọng là những lời nói, hay hành động mà bạn nữ ấy thể hiện ra, nếu chỉ dừng lại ở việc ăn mặc thì điều đó chưa thể nói lên điều gì cả”.

Theo bà Vân Anh, hiện nay, hầu hết nam giới đều có xu hướng quấy rối tình dục, nhưng họ thực hiện điều đó một cách khá vô tư và chỉ coi đó là đùa vui mà không biết rằng hành vi của bản thân khiến người khác bị tổn thương, khó chịu.

Rất nhiều người bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau, thay vì lên tiếng để được bảo vệ thì phần lớn họ chọn sự im lặng vì tâm lí mặc cảm, tự ti và xấu hổ với mọi người xung quanh. Nhiều trường hợp nạn nhân nhẫn nhịn chịu đựng vì bị chính những kẻ quấy rối họ dùng quyền lực cấp trên để khống chế.

Chuyên gia này cũng cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Lao động tới đây, cần bổ sung thêm các điều khoản cụ thể về quấy rối tình dục để bảo vệ người lao động ngay tại nơi làm việc.

Từ thực tế nói trên, PGS Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới tích cực, nhất là trên phương diện pháp lý. Đã có những thay đổi tích cực và dần hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, việc tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến giới và khoảng trống chính sách khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn.

Các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục gia tăng và chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ. Đặc biệt, các hành vi bạo lực tình dục như quấy rối tình dục nơi công cộng, quấy rối tình dục nơi làm việc, bạo lực tình dục giữa các cặp đôi vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Đáng quan ngại, xã hội vẫn còn tâm lý đổ lỗi cho chính nạn nhân, khiến họ chỉ biết im lặng, không dám tìm kiếm sự hỗ trợ. Điều này cũng tạo ra xu hướng giảm nhẹ mức độ hành vi bạo lực, tạo ra môi trường thiếu sự thông cảm và an toàn với nạn nhân; Khiến những nhà thực thi Luật chưa đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng hậu quả bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như ứng phó kịp thời khi nạn nhân tìm kiếm sự hỗ trợ.

Tất cả điều này cho thấy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi tư duy, văn hóa ở cấp độ cá nhân, cộng đồng về vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân và điều chỉnh, hoàn thiện luật pháp chính sách là điều quan trọng và thực sự cần thiết để tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái./.