LTS: Thời gian qua, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn cho học sinh trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội) về kỹ năng xây dựng thông điệp, nội dung truyền thông về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái và phụ nữ. Sau đây, VOV xin giới thiệu một bài viết của em Nguyễn Anh Thư, lớp 9C, Trường THCS Thực nghiệm:

"Đàn ông nội trợ, phụ nữ kiếm tiền?"- Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó có vẻ trái ngược trong dòng tiêu đề trên thì nghĩa là, trong suy nghĩ của bạn đã có sẵn định kiến về giới rồi đấy. Và sự định kiến này chính là một trong những hòn đá cản đường để chúng ta đạt được một xã hội bình đẳng, nơi nam nữ được tôn trọng như nhau.

khac_biet_walg.jpg
Sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ (Ảnh minh họa)

Dù đã bước sang thế kỉ XXI, nhưng hiện nay, nhiều người trong xã hội vẫn áp đặt những tiêu chuẩn giới đối với đàn ông và phụ nữ. Đàn ông vẫn được mong đợi phải mạnh mẽ, chủ động, luôn làm chủ trong mọi việc và một người đàn ông “thành đạt” là phải có kinh tế vững vàng, có vợ đẹp, con ngoan.

Tương tự như vậy, nữ giới luôn được coi là phải hiền dịu, nết na, và là “phái yếu”. Cuộc đời phụ nữ chỉ nên xoay quanh việc chăm sóc gia đình, “nâng khăn sửa túi” cho chồng con.

Người đàn ông luôn phải chịu một áp lực rằng mình phải làm trụ cột, phải mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, phải là “người làm ra tiền” trong gia đình. Và khi không thể làm được điều đó thì họ cảm thấy mặc cảm, tự ti. Nhiều bi kịch gia đình đã xảy ra chỉ vì nguyên nhân như thế.

Nhưng đàn ông cũng là con người, họ có quyền được buồn, được tỏ ra những cảm xúc thường bị coi là “yếu đuối” “ủy mị”, điều đó chẳng làm họ kém mạnh mẽ đi chút nào cả. Mặc dù vậy, do định kiến giới, mỗi khi người đàn ông tỏ ra yếu mềm, họ sẽ bị trêu trọc hay thậm chí bị xúc phạm. Và ngược lại, trong cuộc sống không ít phụ nữ là những người làm việc giỏi giang, mạnh mẽ giỏi giang, thì bị coi là “như đàn ông”.

Những ví dụ dễ thấy là: ngay từ nhỏ, trẻ em đã được dạy dỗ theo những quan niệm như “con trai phải mạnh mẽ, thích chơi ô tô, chơi súng”; “con gái thì phải điệu đà, thích màu hồng, màu tím, chơi đồ hàng, búp bê”. Những cách dạy dỗ tưởng như rất vô tình này đã tạo cho các em sự phân biệt đối xử về giới, mà sau này sẽ trở thành những định kiến khó nhòa.

Ai cũng có thể làm nội trợ (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của tình trạng định kiến giới như vậy là do những quan niệm lệch lạc đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Vì thế để khắc phục tình trạng chúng ta cần thay đổi nhận thức của mỗi con người từ khi còn nhỏ. Chúng ta cần giáo dục bình đẳng giới cho trẻ ngay từ bậc tiểu học, đưa những bài học cần thiết này vào trong môn giáo dục công dân để ngay từ nhỏ trẻ em đã có những hiểu biết đúng đắn về bình đẳng giới./.