anh_1_vov_givr.jpg
Trên đường Hồ Chí Minh vào Nam ra Bắc đoạn qua hai huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei của tỉnh Kon Tum, thấy thấp thoáng bên nếp nhà sàn của người Giẻ Triêng những “bức tường củi” được xếp ngay ngắn, vuông vức.
Chủ sở hữu bức tường củi là người con gái Giẻ Triêng. Bắt đầu đến tuổi cập kê, biết nghĩ đến tình yêu đôi lứa, đến hạnh phúc gia đình thì việc đầu tiên cô gái Giẻ Triêng cần làm là lên rừng lấy củi.
Bởi vậy chỉ cần dạo một vòng quanh làng, đếm được bao nhiêu đống củi là biết làng ấy có bấy nhiêu thiếu nữ đang tuổi cập kê kén chồng.
Để lấy được củi hứa hôn, cô gái phải vượt qua vất vả, dành nhiều tâm sức, tình cảm nên đã biến củi, một vật quá đỗi thông thường, gần gũi với cuộc sống thường ngày thành biểu tượng, thành báu vật của tình yêu. 
Trước đây lựa chọn duy nhất của các cô gái Giẻ Triêng là cây dẻ. Củi dẻ rất cứng nhưng thớ thẳng, dễ bổ và khi đun lửa đượm, than bền. 
Đống củi càng to, chặt càng bằng nhau, từng khúc được bổ khéo thành những miếng vừa đun nhưng không tách rời càng chứng tỏ cô gái ấy có sức khỏe, khéo tay, chăm chỉ, ham lao động. 
Đối với các cô gái Giẻ Triêng ngày cưới về nhà chồng, tiền, vàng có thể thiếu nhưng củi tuyệt đối không thể không có. Củi ấy là củi bắt chồng, củi hứa hôn. 
Điều thú vị là phong tục đẹp này còn được chính những người nắm giữ, trao truyền tự điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống hiện đại và pháp luật hiện hành. 
Không chỉ coi là báu vật của tình yêu đôi lứa, củi hứa hôn của các cô gái Giẻ Triêng còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo.  
Việc lấy củi vốn rất nặng nhọc là việc riêng của cô gái thì nay có sự giúp sức của người thân trong gia đình và bạn bè. 
Số lượng củi từ hàng trăm bó giờ cũng được giảm bớt.
Với cách tiếp nhận, ứng xử rất nhân văn của các thế hệ tiếp nối nên củi hứa hôn- báu vật tình yêu đang tiếp tục được các cô gái Giẻ Triêng lưu giữ, trao truyền ngay trong cuộc sống thường ngày.