Cha mẹ nào cũng mong muốn mang đến cho con những điều tốt nhất, muốn con được phát triển toàn diện nhất. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại mắc lỗi trong cách dạy con.
Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Phạm Hiền về những sai lầm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.
Ảnh minh họa |
Quá bao bọc con
Nhiều bố mẹ đang vì yêu thương con mà không phát hiện ra là mình đang bao bọc con.
Khi 4-5-6 tuổi, con đã có thể tham gia vào một phần công việc nhà thì nhiều bố mẹ vẫn phục vụ con từ A đến Z, thậm chí có rất nhiều con học lớp 3-4 vẫn được xúc cho ăn.
Sai lầm ở đây là bố mẹ chỉ biết phục vụ mà không hề dạy con phải thực hành thế nào.
Những đứa trẻ đó sẽ không tự lập được vì không được dạy về trách nhiệm của bản thân. Từ bé, bố mẹ chưa dạy con các kỹ năng để con tự lập thì chắc chắn khi lớn lên các con không thể tự lập được.
Với những đứa con được bao bọc, vốn dĩ sự đòi hỏi của con rất lớn. Bố mẹ Việt với một tâm lý nóng vội luôn muốn cho xong để không bị phiền phức, ngay lập tức đáp ứng đòi hỏi của con, như vậy sẽ khiến cho sự đòi hỏi của con ngày càng leo thang, tạo cho con sự ích kỷ, xấu tính khi lớn lên.
Bỏ mặc con
Bố mẹ nào cũng muốn con thông minh, muốn con tự lập trong suy nghĩ và tự giải quyết được các vấn đề của mình nhưng nhiều bố mẹ hầu như đang bỏ mặc con.
Do stress, do quá bận rộn với công việc nên bố mẹ sẵn sàng để con chơi với điện thoại, máy tính bảng, tivi... để được yên thân, để đỡ bị làm phiền. Từ đó vô tình khiến con bị thụ động, phụ thuộc vào công nghệ, chỉ xem, chỉ nghe mà không có sự tương tác, không thể phát triển tư duy.
Nghĩ hộ con
Bố mẹ mắc sai lầm là luôn nghĩ hộ con, làm thui chột tư duy trí tuệ của con. Với một vấn đề, thường bố mẹ hay có thói quen giải thích, sau đó nhắc lại, dẫn đến việc con chỉ biết nghe một chiều từ bố mẹ mà không hề vận động suy nghĩ.
Bố mẹ nên dạy cách nghĩ cho con, truyền cho con kiến thức để con ghi nhớ trong tiềm thức. Với một vấn đề, bố mẹ nên hướng dẫn con suy nghĩ tại sao lại như vậy.
Muốn con giao tiếp tốt nhưng lại hạn chế con
Khi các con biết quậy, nghịch, bố mẹ thường cảm thấy phiền phức, không đủ kiên nhẫn, bắt con ngồi một chỗ và không được nói, khiến con phải thu mình, ém bản thân lại. Đó là điều khiến con có tâm lý co cụm ngay từ trong gia đình.
Cần phân biệt giữa việc con biết nói và biết giao tiếp. Biết giao tiếp là khả năng diễn đạt, trình bày, giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ, phản xạ nhanh, khéo léo trong ứng xử.
Không dạy tiếng Việt tốt
Nhiều bố mẹ cho con học ngoại ngữ từ sớm mà quên việc dạy tiếng Việt cho con thật tốt. Ngôn ngữ tiếng Việt cần được phát triển trong cả quá trình dài, trong 10 năm đầu đời, thì con mới có thể có khả năng giao tiếp tốt.
Bố mẹ nên dạy con nói từng câu, từng chủ đề, từng vấn đề. Đi từ việc nói cho người khác hiểu, đến việc biết phản biện, đặt câu hỏi, giải quyết các vấn đề con gặp phải thông qua giao tiếp.
Không lắng nghe con
Một sai lầm nữa là bố mẹ luôn muốn con bản lĩnh, tự tin nhưng lại không hề lắng nghe chính kiến của con, không tôn trọng chia sẻ của con, luôn nghĩ rằng con còn bé, chẳng biết gì cả, ý kiến của con không đúng, con chỉ nên nghe bố mẹ diễn thuyết.
Điều này khiến cho con ngay từ khi còn nhỏ đã bị áp đặt, không biết đưa ra ý kiến, không biết phản biện vấn đề, trở thành đứa trẻ không có lập trường, không có chính kiến. Thậm chí, nếu đứa trẻ có cảm xúc mạnh, bí bách quá có thể có những cảm xúc, hành vi và thái độ tiêu cực.
Thưởng không đúng cách
Các bố mẹ hay chia sẻ với nhau, con làm được điều gì thì thưởng, cho đi chơi...Đó là một điều phi lý, như vậy là bố mẹ đã làm ngược. Ăn, học là cho con, không phải cho bố mẹ. Với những đứa trẻ vốn dĩ hay được bao bọc, thậm chí con chưa cần bố mẹ đã đáp ứng mọi thứ, điều này sẽ rất tệ hại.
Đơn giản là con được ăn, con được mặc, con được ở, con được đi học, con được đi chơi, tất cả là do bố mẹ đang cho con thì con phải có trách nhiệm, nghĩa vụ làm tốt những việc của con bởi những điều đó sẽ tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho chính con.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, mỗi đứa trẻ phải trải qua 10 năm đầu đời để phát triển toàn diện về trí tuệ, tư duy, ngôn ngữ, sức khỏe, tiếp theo là hình thành các thói quen, kỹ năng để con tự tin, tự lập trong cuộc sống sau này. Trong 10 năm quan trọng đó sẽ hình thành dần trong con nhân cách khi lớn lên. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con ở giai đoạn này vô cùng quan trọng./.