Hồi nhỏ tầm 7 - 8 tuổi, em bị chú hàng xóm cưỡng bức. Lúc đó còn bé, em chưa biết gì, nhưng từ khi em có nhận thức, em luôn cảm thấy ô uế, nhục nhã.
Em muốn hỏi chuyên gia có địa chỉ nào hoặc có liệu pháp gì chữa trị không ạ? Em rất mong nhận được phản hồi sớm ạ. Em xin cảm ơn!
Ảnh minh họa |
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thành Nam – ĐHGD - Đại học Quốc Gia Hà Nội:
Chào em,
Bị xâm hại là một trải nghiệm cực kỳ đau đớn nên tôi rất trân trọng và thán phục sự dũng cảm của em khi đương đầu với nỗi sợ để nói ra.
Mặc dù chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ, em hoàn toàn có thể ngăn chặn ảnh hưởng xấu của chúng đến cuộc sống hiện tại. Điều ưu tiên bây giờ em cần là đương đầu với ác mộng để cải thiện giấc ngủ và nâng cao lòng tự trọng.
Hình ảnh bị cưỡng bức hiện về trong giấc mơ được gọi là ký ức xâm nhập (một trong những dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn). Để kiểm soát ác mộng, đầu tiên em hãy viết một cách chi tiết những gì đang xảy ra trong những cơn ác mộng.
Sau đó, như một đạo diễn phim, hãy biên tập lại cơn ác mộng của mình. Em có thể biên tập lại một kết cục mới, đưa vào một người trợ giúp mà mình cảm thấy an toàn. Sau khi hài lòng với kịch bản mới, một cách tượng trưng, em có thể xé nhỏ hoặc vò nát và vứt thùng rác nội dung cơn ác mộng cũ.
Trước khi đi ngủ hãy đọc lại kịch bản giấc mơ mới và tự nhủ nếu đêm nay mơ, mình sẽ mơ theo kịch bản này. Có một phương pháp được gọi là giấc mơ sáng suốt (lucid dreaming) để đề phòng trường hợp mất kiểm soát là khi ác mộng tới sẽ tự nhủ “đó chỉ là giấc mơ thôi”.
Để đương đầu với sự tự ti, chán đời, hãy tìm cho mình một số câu tự nhủ phù hợp giúp giúp cải thiện cảm xúc như “Mình sẽ ổn thôi, sự thực là có nhiều người quan tâm đến mình mà”; “Mình vẫn có thể làm những điều mình muốn”.
Tránh việc trầm trọng hóa mọi chuyện, em hãy tự hoàn thành một số câu như “Điều khủng khiếp nhất về việc đã xảy ra là…”; “Điều khiến mình sợ nhất là …”, “Điều mình nhớ nhất là …”; Điều mình mong xảy ra là …” và “Điều mình tự hào là …”.
Em cũng nên tránh việc tự buộc tội bản thân bằng cách cân nhắc kỹ “Em đã làm cho sự việc xảy ra dễ dàng như thế nào?”; “Em suy nghĩ gì nếu một ai đó làm điều mà em đã làm?”; “Em có chỉ trích họ vì những gì họ đã trải qua không?”
Những cách thức trên sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu em thực hiện nó dưới sự giám sát của các chuyên gia tâm lý thuộc các cơ sở đào tạo có uy tín. Chúc em thành công và gặp nhiều may mắn./.
Một số địa chỉ em có thể tìm thấy sự hỗ trợ chuyên nghiệp:
Trung tâm Thông Tin hướng nghiệp Tư vấn và Hỗ trợ Tâm lý – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN - Phòng 203-204, nhà C0, số 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội.
Phòng Tham vấn tâm lý OTOD, Nhà K2, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, 136 Xuân Thuỷ- Cầu Giấy- Hà Nội.
Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, Phòng 110, nhà A, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN; Số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội./.