Ngày 13/7, Bộ Công an bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Xuân Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở tại TP HCM) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến vụ án, giám đốc công ty là ông Nguyễn Đăng Sơn cũng bị khởi tố về cùng tội danh.

Theo cơ quan điều tra, ông Bình đã chỉ đạo ông Sơn ký hợp đồng thế chấp khoảng 24.000 tấn cà phê hạt cho 7 ngân hàng để vay hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế trong kho chỉ có hơn 8.000 tấn (kê khống 16.000 tấn). Tháng 6/2013, các ngân hàng xảy ra tranh chấp lô cà phê được Trường Ngân tín chấp lưu tại kho của công ty ở khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương).
dai_gia_ca_phe_1_dmvq.jpg
Các ngân hàng đưa bảo vệ đến giám sát kho hàng. Ảnh: Nguyệt Triều.

Một số nhà băng đã có buổi hòa giải với công ty Trường Ngân tại tòa án và đồng ý phát mãi số cà phê lưu giữ tại kho. Sự việc gây ra phản ứng của nhiều bên do có sự chồng lấn quyền lợi đối với các lô hàng được Trường Ngân tín chấp. Vì lẽ này, các cuộc phát mãi sau đó trở thành "cuộc chiến" giữa các ngân hàng, gây mất an ninh trật tự.

Đầu tháng 12/2013, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng phát mãi 3.360 tấn cà phê mà Trường Ngân đã cầm cố dựa trên quyết định của TAND quận 4, TP HCM, công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân. Động thái này của Ngân hàng OCB cũng gặp phải phản ứng dữ dội của các ngân hàng khác.

Sau đó, TAND TP HCM đã ra bản án giám đốc thẩm tuyên huỷ quyết định trên của TAND quận 4 vì tài sản này đang được cầm cố cho nhiều ngân hàng khác.
Số cà phê có lẫn rác trong kho. Ảnh: Nguyệt Triều.

Trong quá trình xảy ra tranh chấp, khi cơ quan thi hành án bốc dỡ số cà phê khỏi kho chờ quyết định của tòa thì phát hiện lượng lớn rác, vỏ cà phê được lưu giữ trong kho. Cho rằng Trường Ngân có hành vi lừa đảo nên các ngân hàng đã làm đơn tố cáo.

Ông Bình giải thích, do làm ăn thua lỗ, hàng tồn nhiều cộng với lãi suất cao khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán./.