Sáng nay (30/8), phiên toà xét xử vụ án kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị và 35 đồng phạm gây ra, làm thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng, dành cả buổi sáng để các bị cáo nói lời sau cùng.

vov_cong_danh_zdur.jpg
Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm trước tòa.

Phạm Công Danh là người đầu tiên nói lời sau cùng tại phiên toà. Bị cáo nhiều lần đề nghị hội đồng xét xử công tâm xem xét cho các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, vì họ chỉ là những người làm công ăn lương, được trả vài triệu đồng mỗi tháng. Đối với các nhân viên Ngân hàng Xây dựng, họ làm theo chỉ đạo của Danh và hoàn toàn tin tưởng vào đề án tái cấu trúc ngân hàng sẽ thành công.

Về bản thân, Phạm Công Danh cho rằng, suốt mấy năm để đảm bảo tất toán cho ngân hàng, bị cáo đã bỏ ra trên 30.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động của ngân hàng, không dùng một đồng nào của ngân sách nhà nước. Bản thân bị cáo không có mục đích cá nhân, nhưng trong quá trình điều hành ngân hàng có chủ quan. Bị cáo Danh mong hội đồng xét xử giải toả kê biên, trả lại căn nhà vợ bị cáo đang ở để làm việc và nuôi con.

Phạm Công Danh nhiều lần mong hội đồng xét xử xem xét thu hồi khoản tiền 3.600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn để khắc phục hậu quả vụ án; Mong hội đồng xét xử xem xét hành vi liên quan đến số tiền 5.490 tỷ đồng là không có sai phạm; đồng thời thu hồi các khoản tiền trên 2.700 tỷ đồng tiền lãi đã giao cho nhóm Trần Ngọc Bích để khắc phục hậu quả vụ án.

Bị cáo Danh mong hội đồng xét xử xem xét bảo vệ thương hiệu cho Tập đoàn Thiên Thanh. Bố bị cáo là thương binh, gia đình có công với cách mạng, Phạm Công Danh mong hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo và gia đình khắc phục hậu quả vụ án.

Phiên tòa dành cả buổi sáng để các bị cáo nói lời sau cùng.

Nói lời sau cùng, bị cáo Phan Thanh Mai nghẹn ngào, 25 tháng qua bị cáo rất day dứt, không hiểu sao là người được Đảng, Nhà nước cho ăn học mà lại trở thành người phạm tội.

Phan Thành Mai cho biết, 15 năm làm việc tại Việt Nam, bị cáo khát khao được làm việc, nhưng cuộc đời luôn xô đẩy bị cáo đến nơi đầu sóng, ngọn gió. Bị cáo mong những người lao động đều có nhà ở, vì vậy bị cáo tham gia các đề án về bất động sản và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thị trường bất động sản rất khó khăn về vốn và đó là lý do bị cáo Mai nhận tham gia điều hành Ngân hàng Xây dựng.

Trước toà, bị cáo nhận thức rõ hậu quả nặng nề, hối hận sâu sắc về việc làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, uy tín của ngành ngân hàng. Bị cáo có 2 nguyện vọng là xin giảm tội cho các nhân viên Ngân hàng Xây dựng, họ là nguồn nhân lực cho đất nước. Điều thứ hai bị cáo Mai dành cho bị cáo Phạm Công Danh, vì luôn tin bị cáo Danh đã bỏ nhiều tiền vào ngân hàng, mong hội đồng xét xử xem xét giảm tội cho bị cáo Danh.

Phan Thành Mai gửi lời xin lỗi đến các vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các lãnh đạo Hiệp hội bất động sản, các bạn bè và cán bộ công nhân viên Ngân hàng Xây dựng đang phải đứng trước toà. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến bố mẹ và gia đình. Bị cáo tin tưởng mọi phán quyết của toà sẽ nghiêm minh và công tâm.

Bị cáo Mai Hữu Khương xin hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo Danh khắc phục hậu quả vụ án. Mong hội đồng xét xử thu hồi các khoản tiền để khắc phục hậu quả và mong giảm án cho các bị cáo khác. 

Bị cáo Hoàng Đình Quyết, mong hội đồng xét xử giảm tội cho bản thân và Danh, Mai, Khương cùng các đồng nghiệp để có cơ hội làm lại cuộc đời, đóng góp cho đất nước. Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn, mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ để trở về làm việc, nuôi con…

Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Phan Minh Tùng cho biết, gần 30 năm làm việc trong nghề kế toán chưa để xảy ra sai sót. Tùng không đồng ý với mức án đề nghị 9-11 năm của Viện Kiểm sát. Bị cáo thấy mình đã thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình có đóng góp cho cách mạng,… mong hội đồng xét xử công tâm cho bị cáo.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Việt Thép và Trần Văn Bình mong hội đồng xét xử công tâm lượng hình để có cơ hội về chăm lo gia đình và có ích cho xã hội./.