Với các kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị VKSND Tối cao nhanh chóng đưa ra truy tố 15 bị can trong vụ án này về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “Giả mạo trong công tác”, “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức” và tội “Thao túng chứng khoán”.

Cụ thể, Trần Hữu Tiệp (SN 1983) - nguyên Chủ tịch Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền trung MTM (Công ty MTM); Nguyễn Văn Dĩnh (SN 1965) - nguyên Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Nari Hamico cùng một số đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Liên quan đến vụ án, Lê Thị Hằng Nga (SN 1979) - nguyên Giám đốc TPBank Tây Hà Nội và Trần Thị Mai Lan (SN 1980) - nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội cũng bị đề nghị truy tố về tội “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức”.

113912-1.jpg

Mua lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM, các đối tượng "ma quái" đã chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.

Tiếp đến là Lê Đắc Hà (SN 1972) – nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Đại Kim BIDV Nam Hà Nội; Hồ Xuân Lý (SN 1975) - nguyên Phó Giám đốc Phòng giao dịch Đại Kim BIDV Nam Hà Nội; Đặng Mạnh Hùng (SN 1983); Nguyễn Thị Hiền (SN 1980) và Vũ Thế Vinh (SN 1979), đều từng là cán bộ BIDV Nam Hà Nội cùng bị đề nghị xử lý về tội “Giả mạo trong công tác”.

Riêng bị can Bùi Thiện Lý (SN 1988, trú xã Đông Hòa, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Đỗ Hữu Tài (SN 1992, ở phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cùng bị đề nghị truy tố về tội “Thao túng giá chứng khoán”. Ngoài ra, CQĐT cũng kiến nghị xử lý hàng chục cá nhân khác có hành vi sai phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự.

Trước đó, ngày 30-12-2017, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã hoàn tất Kết luận điều tra về vụ án thao túng chứng khoán này nhưng sau đó VKSND Tối cao đã có quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Kết quả điều tra cho rằng, hành vi phạm tội của Trần Hữu Tiệp cùng đồng bọn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ và đặc biệt là có sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng.

Hành vi phạm tội của các bị can đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn, bình thường của thị trường chứng khoán, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Kết quả điều tra cho thấy, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Doanh nghiệp này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỷ đồng… nhằm đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Để làm giả được hồ sơ nói trên, Tiệp, Dĩnh và đồng phạm đã móc nối với cán bộ ngân hàng. Theo đó, từ năm 2013 đến 2015, các cán bộ Ngân hàng BIDV nêu trên đã làm giả 143 chứng từ ủy nhiệm chi/nộp – rút tiền với tổng số 355 tỉ đồng cho MTM và nhóm liên quan. Tương tự, chi nhánh TPBank Tây Hà Nội cũng giúp các đối tượng “ma quái” mở tài khoản, làm giả 7 chứng từ với tổng số 130 tỉ đồng.

Có được hồ sơ doanh nghiệp khống và theo chỉ đạo của Dĩnh, đồng phạm của bị can này tiếp tục móc nối với cán bộ ngân hàng TPBank Tây Hà Nội và BIDV Nam Hà Nội để hợp thức chứng từ nộp, rút 485 tỉ đồng, thể hiện việc góp vốn của các cổ đông và doanh số kinh doanh của Công ty MTM.

Trong khi Dĩnh đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì ngày 29/5/2015, Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ở một vụ án khác. Ngay sau đó, Công ty MTM vội rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao giao dịch chứng khoán.

Dù vậy, tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) lại thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ bị can Dĩnh) để tiếp nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.

Hoa biết rõ MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ, với thỏa thuận- nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu, tương đương 155 tỉ đồng vốn thực góp.

Tính đến ngày 17/6/2016, thời điểm trò “ma mãnh” của Công ty MTM bị phát hiện đang có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này. Trong đó, hơn 800 nhà đầu tư đã có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại.

Kết luận điều tra của cơ quan chức năng xác định, bằng thủ đoạn tinh vi, các đối tượng “ma quái” trong vụ án đã rút ra và chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán với tổng số tiền là hơn 53 tỉ đồng. Và số tiền các nhà đầu tư bị thiệt hại là hơn 56 tỉ đồng./.