Trong ngày làm việc thứ 5 của phiên tòa xét xử phúc thẩm đại án Oceanbank, bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đại Dương – Oceanbank) tiếp tục khẳng định việc chi lãi suất ngoài hợp đồng được triển khai trên toàn hệ thống của Oceanbank từ năm 2011, diễn ra trong thời gian dài. Song bị cáo này cho rằng số tiền thiệt hại của Oceanbank chỉ là một phần nhỏ so với con số hơn 1.500 tỷ đồng do tòa cấp sơ thẩm xác định.
“Mấu chốt là ở chỗ này. Tại sao không chuyển thẳng cho PVN mà phải qua Nguyễn Xuân Sơn” – HĐXX tiếp tục truy hỏi. “PVN là một pháp nhân nên bị cáo phải tìm một cá nhân chuyển tiền. Bị cáo chọn anh Sơn vì Sơn biết làm từ trước nên sẽ biết làm thế nào để chuyển cho PVN. Bị cáo đã làm trái quy định 165 chi vượt trần nên không thể chuyển thẳng vào tài khoản trong hợp đồng được nên mới phải nhờ Sơn" – Hà Văn Thắm khai.
Liên quan số tiền theo bản án sơ thẩm đã quy kết Hà Văn Thắm đã giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 69 tỷ, Hà Văn Thắm trình bày, số tiền này có được từ nhiều nguồn thu khác nhau. “Bị cáo và các đồng phạm đã thừa nhận có hành vi sai là đã thu phí vượt trần so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng dù sao bị cáo vẫn nghĩ đó là tiền của mình, nên khi nghe Sơn nói chi chăm sóc khách hàng nên bị cáo nghĩ dùng tiền của mình để chi cho khách hàng” – Thắm nói.
Theo cáo buộc, cuối năm 2008, Tập PVN ký thỏa với Oceanbank trở thành cổ đông, đối tác chiến lược, góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank. Nguyễn Xuân Sơn khi đó được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Oceanbank và đã được HĐQT Oceanbank bổ nhiệm, giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank từ ngày 1/1/2009 đến ngày 15/11/2010.
Đầu năm 2009, khi Hà Văn Thắm cùng Nguyễn Xuân Sơn trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank, Sơn chủ động đề nghị với Thắm hai vấn đề: Để huy động được vốn từ PVN, Oceanbank cần phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết để Sơn được chủ động giải quyết.
Do Oceanbank là ngân hàng mới đựợc chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn, có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn và Thắm tính toán mức chi thêm này sẽ khoảng trên, dưới 01%/năm nên đã chấp nhận đề nghị trên của Sơn để Oceanbank thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN.
Thắm đã chỉ đạo cấp dưới dùng tiền "thu phí" của khách từ công ty BSC (công ty sân sau của Thắm) chi cho Nguyễn Xuân Sơn gần 69 tỷ đồng; dùng tiền của Oceanbank chi cho Sơn hơn 246 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên phúc thẩm. |
Khẳng định Nguyễn Xuân Sơn không có sức ảnh hưởng trong việc PVN góp vốn vào Oceanbank, Hà Văn Thắm thừa nhận đã chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng cho PVN, chứ không liên quan phần Sơn tham ô, chiếm đoạt tài sản (nếu có).
“Nếu Nguyễn Xuân Sơn mang 246 tỷ nộp cho PVN thì bị cáo có liên quan, đó là hành vi cố ý làm trái. Nhưng thay việc đưa cho PVN, Sơn lại đút túi thì việc đó không cần ai phải giúp sức cho ông ấy cả, nên bị cáo không liên quan”- Hà Văn Thắm trình bày.
Đối chất tại tòa về số tiền 246 tỷ nhận từ Thắm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói đó là tiền chi lãi ngoài “chăm sóc khách hàng”, cụ thể là PVN. Do đây là tiền trái theo quy định pháp luật nên không chi trực tiếp vào tài khoản của PVN.
"Theo bị cáo hiểu, số tiền này thuộc sở hữu tập thể hay cá nhân?- HĐXX hỏi. “Về pháp lý nó không thuộc sở hữu PVN, PVN cũng không thừa nhận việc này, nhưng có vấn đề khác đó là theo “thông lệ”, “hoàn cảnh thực tế của ngân hàng, doanh nghiệp phải chi ngoài chế độ”.
Cũng trong ngày làm việc hôm nay, hai cổ đông của Oceanbank là công ty TNHH VNT và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) kháng cáo cho rằng: Họ là các cổ đông của Oceanbank nên đề nghị xem xét đến quyền lợi của họ như cổ đông là PVN.
Ngày mai (25/4), phiên tòa tạm nghỉ./.
Vợ Nguyễn Xuân Sơn khóc, xin lấy tài sản riêng khắc phục cho chồng