Tại họp báo Chính phủ chiều 5/5, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ quán phở “Xin chào” ở Bình Chánh (TP HCM) và vụ bà Ánh Ngọc ở Nhơn Trạch, Đồng Nai tố cáo “cát tặc” thì bị tạm giữ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin Chào” bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TPHCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo công an và đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn”.

mai_tien_dung_zskr.jpg
 

Ngày 23/4/2016, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao có văn bản số 48/BC-VKSTC kết luận, chỉ đạo giải quyết vụ án:

Hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép; Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn và công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định.

Ngày 23/4/2016, Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và Kiểm sát viên Hồ Văn Son, những người trực tiếp tiến hành tố tụng vụ án này.

Viện KSND Tối cao có chỉ đạo thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM chủ động kiểm tra, đánh giá lại vụ án và khi Viện KSND có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, Công an TPHCM đã có quyết định đình chỉ đối với cán bộ có liên quan, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Về vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trú tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ nhưng thoái hoá biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc.

“Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che” – ông Mai Tiến Dũng nói.

Với tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện ngay một số việc trọng tâm: Tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật; chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.

Khẩn trương rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, của báo chí và nhân dân./.