Ghi nhận của PV VOV.VN, xã Đinh Xá là một trong số địa phương thiệt hại nặng nhất sau đợt mưa lũ vừa qua ở Hà Nam. Đã hơn 10 ngày trôi qua, gần 100 hộ dân, trong đó hàng chục hộ của xã phải đi sơ tán ở nhờ người thân và hàng xóm và phải sống trong nước ngập.
Căn chòi ngập mất một nửa của anh Phạm Văn Sỹ (thôn Tái 1). |
Ngày 2/8, nước trên sông Châu Giang vẫn ở mức cao, nước trong đồng chưa thể tiêu thoát ra sông được, nhiều tuyến đường liên thôn ở Đinh Xá chưa có dấu hiệu lưu thông bình thường. Tuyến đường chính vào xóm Tái 1 vẫn bị chia cắt, có nơi ngập sâu gần 2m. Để di chuyển vào trong người dân phải đi thuyền, bè tre nứa…
Về thôn Tái 1, thôn 7 Phạm, xã Đinh Xá, nhìn vẻ mặt thất thần của bà con nơi đây đủ để thấy sự tàn phá của trận mưa lũ lịch sử với người dân lớn đến thế nào. Họ cho biết, chỉ qua một đêm nhiều gia đình đã trắng tay bởi hoa màu, gia súc, gia cầm, cá nuôi đều đi theo dòng nước…Gần 20ha lúa, hoa màu và hơn 2ha ao hồ nuôi thuỷ sản bị ngập, mất trắng. Rất may tài sản của người dân cơ bản đã được di chuyển trước khi vỡ đê.
Ông Trương Quang Bảo, Phó chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, cho biết: việc sạt lở đê xảy ra năm 2017 cũng như năm nay đều là bất khả kháng.
"Đê bối theo quy định chỉ chịu được mức báo động dưới cấp 3 là 3,5 m. Tuy nhiên, đỉnh lũ trong 2 lần sạt đê đều cao trên gần 5 m nên phải để nước tràn qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận là đoạn đê bối này khá yếu.
UBND thành phố Phủ Lý đã báo cáo và được tỉnh Hà Nam phê duyệt dự án nâng cấp đoạn đê này với tổng kinh phí khoảng 14 tỉ đồng”, ông Bảo thông tin và cho biết lẽ ra dự án đã thi công từ tháng trước, nhưng do mưa liên tục nên phải hoãn, song sẽ được làm xong trong năm 2018.
Khuôn mặt u buồn, đứng bần thần bên đầm cá, anh Phạm Văn Sỹ, thôn Tái 1 cho biết: gia đình thuê hơn 4ha nuôi cá ở đây nhiều năm. Mua cá giống từ đầu năm với vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng, tiền cám thức ăn cho cá đến nay cũng đã ngót nghét cả tỷ đồng. Thế nhưng, nước tràn vào quá nhanh, nước trong đồng dâng cao bằng nước ngoài mặt đê, ngập lụt khu đầm 4 mẫu, cá trôi ra sông hết.
"Khoảng 23 giờ đêm ngày 21/7, nước bắt đầu tràn qua đê bối, nước lên rất nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Nhà tôi có 4 mẫu đầm nuôi cá, khi nước vào vợ chồng tôi đã lấy lưới chắn nhưng không lại được với dòng nước. Chỉ sau vài giờ, nước ngập trắng đồng, toàn bộ hoa màu và cả chục tấn cá trong đầm của gia đình tôi đã đi cùng dòng nước, mất trắng. Riêng tiền cá thiệt hại gần 800 triệu đồng, chưa kể gà, vịt, bị trôi mất”, anh Sỹ cho biết.
Theo anh Sỹ, tháng 10 năm ngoái, khi nước tràn vào, đầm cá nhà anh cũng mất sạch, sau đó anh lại vay mượn, cải tạo lại hồ ao, chăn nuôi lại, hy vọng sẽ vớt vát được để trả bớt nợ, ai dè…
“Chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ từ phía địa phương, giúp các hộ dân giảm được một phần thiệt hại. Có chút vốn liếng để làm lại từ đầu. Hai năm nay bị ngập, mất sạch vốn làm ăn rồi…”, anh Sỹ mong muốn.
Bạn bè giúp anh Sỹ vớt vát chút cá có thể còn sót lại ở cửa đê bối. |
Nằm trong số những hộ bị ngập phải sơ tán, anh Nguyễn Hữu Lanh thôn Tái 1 cũng không giấu được nỗi buồn cho biết, nước ngập tràn vào khiến chuồng trại, ao cá của gia đình anh bị ngập hết, do không có phương tiện hỗ trợ nên chỉ chạy được một số gà, lợn trong đêm.
Hiện tại ngôi nhà của anh bị ngập gần hết cổng, muốn đi vào thì phải đi thuyền lớn nên cả người và gà đều phải ở nhờ nhà người thân trong xã.
“Tháng 10/2017, nước ngập chết hết gà, vịt, ngan, ao cá gần mẫu sắp đến kỳ thu hoạch cũng bị tràn sạch. Năm nay, ao cá, ít gà vịt cũng lại bị nước ngập mất hết. Tổng thiệt hại khoảng vài trăm triệu, giờ đang nợ tiền cám, hết lũ chắc phải vay tiếp ngân hàng để chăn nuôi lại, coi như “đánh bạc với ông giời”…”, anh Lanh nói như sắp khóc.
Không chỉ nhà anh Lanh, rất nhiều nhà người dân thôn Tái, thôn Phạm cùng chung cảnh ngộ. Gia đình ông Nguyễn Tiến Cửu, bà Phương còn phải mang cả lợn, ngan, vịt lên sân nhà, nhốt trong buồng để tránh ngập. “Còn ao cá thì không thể nào di chuyển được, nhìn cá bơi ra sông...”.
“Ao cá coi như lại mất trắng, gà chạy không kịp chết hơn 200 con, lợn hơn chục con nổi dưới ao, chán không buồn vớt. Gần 2.000 con ngan, vịt đẻ chỉ kịp lùa lên đê tránh ngập cả chục ngày nay, bị ảnh hưởng, chả đẻ được quả trứng nào bán để lấy tiền mua cám. Người dân thôn Tái 1, Đinh Xá này cực khổ quá rồi...”, ông Cửu chua chát nói.
Nhưng theo ông Cửu, “Rất may khi lũ về, gia đình tôi đã lùa được ít gia súc, gia cầm lên khu vực cao chứ không thì trắng tay, nhiều nhà mất hết cơ”.
Đàn gia súc của nhiều gia đình căng bạt, nhốt tạm trên đường làng. |
Trên đoạn đê đã được gia cố cao hơn, đổ bê tông bề mặt không bị ngập nước từ thôn Tái sang thôn 7 Phạm, nhiều gia đình không có nơi cho gia súc "tá túc" phải mang ra ngoài đường để nhốt tạm. Ngan, vịt, lợn, gà...của người dân được lùa lên, quây bạt nhốt trên mặt đê bối từ hôm nước ngập đến nay, mùi thức ăn thừa, chất thải của gà, vịt lợn…bốc mùi nồng nặc từ xa.
Ông Trương Quang Bảo, Phó chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cũng cho biết đã chỉ đạo ngành điện và y tế sẵn sàng để cấp điện, phun thuốc sát trùng, chống ô nhiễm môi trường ngay khi nước rút; thành phố Phủ Lý cũng chỉ đạo đắp bờ, hút nước ngập tại khu vực nhà máy nước để cấp nước sạch cho dân ngay trong vài ngày tới.
Theo ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đinh Xá: Hệ thống đê bối trên địa bàn xã có 2 điểm sụt lở gồm 8m thuộc thôn Tái 1 và 25m thuộc thôn Phạm; cùng gần 40m đê có dấu hiệu nứt.
Xã đã huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, Ban chỉ huy quân sự thành phố…trực ứng cứu, kịp thời xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra.
“Trong khả năng của xã cũng đã cố gắng hết sức, chúng tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo TP, lãnh đạo tỉnh. Các lực lượng đã được huy động về để giúp người dân. Lo nhất của chúng tôi bây giờ là đảm bảo vệ sinh môi trường, chống dịch bệnh sau mưa lũ...”, ông Trường cho hay.
Hàng chục héc-ta hoa màu, lúa, rau vụ đông bị nhấn chìm trong biển nước, hàng chục tấn cá đến thời điểm thu hoạch bị vỡ theo dòng lũ, gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế với người dân bị ngập ở Đinh Xá.
Được biết, hiện nước đã bắt đầu rút chậm ra sông. Nhưng rất nhiều rác thải theo dòng nước trôi vào khu vực nhà dân bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm nguồn nước, nhiều người dân đã mắc bệnh da liễu…/.
Vỡ đê Bối ở Hà Nam: Người dân Đinh Xá “chìm nổi” trong dòng nước lũ
VOV.VN - Sau đợt mưa lớn và xả lũ, một vài thôn tại xã Đinh Xá (Phủ Lý, Hà Nam) ngập sâu trong nước. Nhiều gia đình phải chạy lũ đến 2 lần chỉ trong 9 tháng.
Nước lũ ngập nhà cửa tại Hà Nam, dân 9 tháng "chạy loạn" 2 lần
VOV.VN - Sau đợt mưa lớn và xả lũ, một vài thôn tại xã Đinh Xá (Phủ Lý, Hà Nam) ngập sâu trong nước. Có gia đình đã phải chạy lũ đến 2 lần trong 9 tháng.
“Hà bá” sông Đà nuốt nhà dân: Do xả lũ, mưa dài ngày hay cát tặc?
VOV.VN - Người dân cho rằng lý do tài sản của họ trôi cả xuống sông là vì xả lũ và cát tặc nhưng chính quyền TP.Hòa Bình và Tổng cục PCTT bác bỏ điều này.
Sông Đà nuốt nhà ở Hòa Bình: Hà bá mất 15 phút “ăn” trọn căn nhà 4 tầng
VOV.VN -Hiện tượng bất thường bắt đầu từ 2 giờ chiều và đến 7 giờ tối nhà tôi dần dần tuột xuống sông, ít phút sau là cả ngôi nhà biến mất.
Tháng 8, có thể phải chịu 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới
VOV.VN - Trong tháng 8/2018, nhiều khả năng sẽ xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền.