Sáng 2/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo cho biết, tình hình dịch bệnh trong nước đến nay vẫn kiểm soát tốt.

Tính đến ngày 2/3, Việt Nam bước sang ngày thứ 20 không ghi nhận ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và  xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đã qua 20 ngày cách ly và thêm một ngày là có thể công bố tháo bỏ cách ly. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “đây mới là chiến dịch mở màn nên không được lơ là dù chỉ một phút”.

“Hệ thống của chúng ta từ ngăn chặn, phát hiện, cách ly đến điều trị cơ bản đã được tập huấn cùng các cơ quan chuyên môn của ngành y tế. Tình hình dịch bệnh thay đổi, chúng ta phải có chiến thuật thay đổi. Trước đây, Việt Nam tập trung ngăn chặn, phát hiện nguồn bệnh từ Trung Quốc, nhưng bây giờ từ nhiều nơi khác nhau. Không chỉ Hàn Quốc, Iran hay Italy mà dịch bệnh hiện đã lan ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

vov_vu_duc_dam_rzlw.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Việt Nam kiểm soát tốt nhưng không lơ là trước dịch Covid-19”.

Thay đổi chiến thuật theo tình hình dịch bệnh

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam cũng như rất nhiều  nước trên thế giới, không thể đóng cửa tất cả được, nên ngày càng khó phát hiện nguồn gốc bệnh, và nhiều nước tính đến phương pháp ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Việt Nam cũng sẵn sàng có hướng đi thiết thực để ngăn chặn nguy cơ này.

Phải lường trước, sẵn sàng tình huống có thể xuất hiện ca nhiễm mới trong giờ tới, ngày tới, dù xác định hay không xác định được nguồn nhiễm đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Việt Nam đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, để có giải pháp ứng phó tương ứng. Với người Việt Nam từ vùng dịch về, đặc biệt người từ Hàn Quốc về phải tổ chức cách ly tập trung. Trong đó, có những người sau khi cách ly tập trung, chúng ta đã có đầy đủ bằng chứng để khẳng định những người này không hề cư trú, đi qua hay tiếp xúc với những người ở hai ổ dịch tại Hàn Quốc thì có giải pháp đưa về cách ly tại nơi cư trú.

Theo đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc ở địa phương rất quan trọng, để lấy thông tin khai báo y tế bắt buộc đối với những người về từ Hàn Quốc, đồng thời kết hợp chính quyền và Mặt trận tổ quốc cũng y tế địa phương phải làm việc trực tiếp với gia đình và cơ quan của người này để xác minh tất cả các thông tin, để đảm bảo chắc chắn họ không đến từ, không đi qua và không tiếp xúc với người tại vùng dịch. Những người này sau khi được đưa về cách ly tại gia đình, ở cơ quan phải tuân thủ các biện pháp cách ly.

Với những đối tượng chưa nhận thức đúng và khai báo không trung thực, một mặt phải tuyên truyền vận động và đồng thời phải xử lý nghiêm. Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định, Việt Nam phải tiếp tục nguyên tắc phòng chống dịch một cách kiên trì, kiên định.

Chủ động điều phối điểm đến các chuyến bay

“Chúng ta phải chủ động điều phối các địa điểm đến của các chuyến bay đến từ Hàn Quốc, bởi vì tới đây các chuyến bay này chủ yếu phục vụ đưa người Việt về nước. Đã về nước thì phải cách ly…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ ngày 27-29/2, trung bình mỗi ngày có 42 chuyến bay đến/đi Việt Nam-Hàn Quốc, trong đó các hãng hàng không của Việt Nam có 16 chuyến, Hàn Quốc 26 chuyến. 

Đến sáng 1/3, số lượng chuyến bay chỉ còn 21 chuyến. Hiện xu hướng người Hàn (tại Việt Nam) bay về Hàn Quốc nhiều hơn người Việt bay sang. Nhiều chuyến bay từ Hàn Quốc đến là máy bay không để đón công dân về. Ở chiều ngược lại, người Việt về nước cũng chiếm đa số. 

Từ 12h trưa 1/3, Việt Nam tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các hãng hàng không có thể lựa chọn hạ cánh tại sân bay Vân Đồn thay cho Nội Bài; sân bay Cần Thơ thay cho Tân Sơn Nhất.

Phó Thủ tướng phát động mọi người dân tham gia chống dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thông qua báo chí, đoàn thể chính trị xã hội, hướng dẫn cơ quan chuyên môn, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mọi người dân không chỉ thực hiện nghiêm chỉnh việc phòng chống dịch cho bản thân, gia đình, cộng đồng, mà còn tham gia thông báo những người theo quan sát của mình có tiếp xúc người có nguy cơ lây nhiễm để thông báo cho y tế, chính quyền để có biện pháp phù hợp.

“Đây là điểm từ trước đến nay đã làm tốt, nay phải làm mạnh hơn. Nếu phát hiện sớm ngay, chúng ta tiến hành nhận diện, sử dụng những biện pháp nghiệp vụ y tế có phương thức cách ly phù hợp, khám, theo dõi sức khỏe, nếu cần thiết thì điều trị”, Phó Thủ tướng nói.

Do vậy, tới đây, đề phòng tình trạng có thể có rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng, bên cạnh tập huấn trực tiếp, Việt Nam đang hướng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin để các cơ sở y tế cấp xã trở lên biết những công việc phải làm khi có người bệnh có biểu hiện ốm, sốt tới khám. Ngay từ cơ sở cấp xã phải khám và cách ly an toàn, đồng thời có sự kết nối các chuyên gia từ Trung ương để được hướng dẫn cụ thể.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương trên tinh thần tính bằng giờ để cho sản xuất sớm các “test kit” dựa trên các kết quả nghiên cứu khả quan ban đầu.

“Chúng ta đã cách ly hơn 10.000 người. Nếu sớm có test kit, chúng ta sẽ làm cho người cách ly, cộng đồng yên tâm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.