Trong số hơn 400 trường hợp bị sốt, nghi nhiễm nCoV vì có tiền sử đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân, thì đã có khoảng 350 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính, 57 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, các địa phương còn đang theo dõi sức khỏe của hàng trăm trường hợp liên quan, chưa có biểu hiện bệnh và chưa qua thời gian ủ bệnh 14 ngày.
Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Y tế, những trường hợp nhiễm nCoV được ghi nhận tại nước ta đa phần ở thể nhẹ. Đến tối ngày 5/2, trong số 10 ca bệnh được phát hiện, đã có 3 người khỏi bệnh, những trường hợp còn lại đều đang có tiến triển tốt.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đa khoa Thanh Hóa, Nhiệt đới Khánh Hòa và Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh gửi thông tin hồ sơ bệnh án của bệnh nhân nCoV đã được điều trị khỏi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp, tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh này trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đặc trưng của chủng mới virus Corona là không bay lơ lửng trong không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, mà bám khá lâu vào các bề mặt gỗ, đá, sắt và vật dụng xung quanh.... Khi tay chạm vào những đồ vật có virus, rồi đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh. Vì thế, phải rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày, đứng cách xa người có biểu hiện bị bệnh từ 1 mét trở lên là có thể tránh được lây nhiễm.
“Khác với SARS, virus nCOV lây từ người sang người cả trong thời gian ủ bệnh (khi chưa có triệu chứng nào, người mang mầm bệnh vẫn có thể lây virus cho người khác). Trên trang web của Tổ chức Y tế thế giới mới đây nêu rõ: không cần đeo khẩu trang y tế, vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bào vệ đối với người không bị bệnh.
Vì vậy việc đeo khẩu trang chỉ là 1 phần của các biện pháp phòng bệnh. Virus này rất sợ nắng, gió (thông thoáng khí) và tia cực tím. Vì vậy nên mở cửa sổ đón ánh sáng và đón gió vào nhà. Những nơi nắng, gió như miền Nam, Tây Nguyên không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế”, ông Nguyễn Thanh Long nói. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong số hơn 30 trường hợp học sinh ở Nậm Pồ, Điện Biên bị sốt, đa phần bố mẹ các em đi làm ăn xa, từ vùng dịch trở về nhà đã hơn 15 ngày, trong khi thời gian ủ bệnh là 14 ngày, nên số em có khả năng bị lây nhiễm nCoV là rất thấp./.