Tình huống diễn tập thứ nhất là khi ê-kíp trực cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất nhận được cuộc gọi thông báo có bệnh nhân trở về từ Quảng Châu (Trung Quốc) cách đây 2 ngày, nghi nhiễm virus corona, cần cấp cứu ngoại viện.
Phun xịt ở nơi bệnh nhân đi qua. |
Theo quy trình, trong thời gian 10 phút, đội phản ứng nhanh phải thay xong trang phục, đem đầy đủ dụng cụ lên xe cấp cứu để xuất phát. Kết quả diễn tập vượt ngoài mong đợi khi chỉ chưa đến 5 phút sau cuộc gọi báo động, xe cấp cứu đã chuyển bánh đến thằng nơi có người bệnh nghi ngờ, đưa về bệnh viện Thống Nhất cấp cứu, cách ly kịp thời.
Tình huống thứ 2 là một bệnh nhân sốt, ho, mệt mỏi, có yếu tố dịch tễ được đưa đến Khoa Cấp cứu. Tại khu vực phân loại bệnh, bệnh nhân được đưa vào buồng cách ly tạm thời. Sau đó các nhân viên y tế mang trang phục chống dịch, thăm khám, lấy mẫu bệnh phẩm (phết họng) theo quy định.
Điều dưỡng trang bị phòng hộ cho bệnh nhân khi vận chuyển, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, chuyển mẫu xét nghiệm sang khoa Vi sinh. Còn bệnh nhân được được vận chuyển ngay bằng băng ca theo luồng đi quy định đến khoa Nhiễm để cách ly. Những nơi bệnh nhân đi qua, nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đi ngay phía sau để phun hóa chất diệt khuẩn. Lối đi quy định chủ yếu qua những hành lang vắng người.
Phết họng lấy mẫu bệnh phẩm ở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona. |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trong trường hợp có nhiều ca bệnh nhập viện, bệnh viện sẽ huy động thêm 2 đội phản ứng khẩn cấp, 3 đội phòng chống thảm họa và các kíp trực ứng phó. Nhân viên y tế được chọn tham gia các đội phản ứng nhanh và quy trình tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona là người không có bệnh mãn tính, không có thai và không nuôi con nhỏ./.