Tại buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP HCM diễn ra chiều nay (24/3), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 2 tuần tới sẽ là thời gian quyết định đến việc thành bại của cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Các sở, ngành, quận huyện, người dân của TP đang đứng trước trách nhiệm lịch sử và cần phải có sự đồng lòng, vào cuộc trong cuộc chiến này thì mới góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, diễn biến của dịch bệnh có tính quy luật và Việt Nam đã bước qua giai đoạn có trên 100 bệnh nhân. Với quy luật rút ra từ các nước trên thế giới thì từ 100 ca lên 1.000 ca cần khoảng 10 ngày. Vì thế, khoảng thời gian 10 - 14 ngày tới, Việt Nam phải cố gắng không để vượt qua 1.000 ca bệnh mà tốt nhất là không để vượt quá 500 ca bởi nếu để vượt 1.000 ca bệnh thì nguy cơ lây lan cực nhanh và khi đó dù có xây thêm bệnh viện cỡ nào cũng không đủ.
Trách nhiệm của TP HCM cùng với cả nước là không để ca bệnh trên địa bàn vượt qua 300 người nhiễm. Cơ sở vật chất, con người của TP đủ để chữa cho gấp 3 con số trên nhưng thực tế cho thấy, 1 người bị nhiễm thì phải cách ly 280 người (nếu TP có 300 người nhiễm thì con số cách ly lên đến 84.000 người).
Khả quan nhất là TP phải cố gắng không để số người mắc bệnh vượt qua con số 150 ca nhiễm để góp phần cùng cả nước chống dịch Covid-19 hiệu quả. Việc này rất cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, sự tự giác của người dân.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "24 đảng bộ các quận huyện và các sở ngành có một trách nhiệm lịch sử trong khoảng 10 - 14 ngày tới. Nếu làm đúng quy luật thì làm được. Quy luật thế giới diễn ra trước mắt rồi. Hiện nay có 2 nước giữ được là Hàn Quốc và Nhật Bản. Rất nhiều nước không giữ được, ở châu Âu và Mỹ đã vượt qua mấy chục ngàn thì không thể quay lại mốc 100 người nhiễm để làm lại tốt hơn, không đảo ngược được".
Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Nhân lấy bài học về công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao của Hàn Quốc và Nhật Bản và đề nghị TP HCM cần duy trì các biện pháp đã làm và học các mô hình hay.
Đó là: Chặn dứt khoát người từ vùng dịch về cắt nguy cơ lây từ bên ngoài; làm tốt công tác xét nghiệm, cách ly giám sát ngay các ca bệnh, việc đeo khẩu trang cũng được chấp hành tốt; đóng cửa trường học, đình chỉ các hoạt động đông người, người dân tiếp xúc virus phải tự giác tự cách ly 14 ngày; nâng cấp hệ thống y tế, nguyên tắc là đã nhiễm thì phải vào bệnh viện chữa; phạt nặng những cá nhân vi phạm lệnh cách ly, bán khẩu trang cũ… Chính phủ (Nhật Bản) trả lương cho người phải ở nhà trông con và chúng ta phải suy nghĩ áp dụng.
Trong thời gian tới, TP HCM cần làm tốt những biện pháp đã triển khai, tiếp tục vận động người dân ít di chuyển nếu không cần thiết, giảm tần suất đi chợ, ra ngoài ăn uống… và khi ra ngoài tuyệt đối phải đeo khẩu trang.
Cần tuyên truyền để tránh tình trạng tụ tập đông người khi đi tiếp tế cho người bị cách ly như ở KTX Đại học Quốc gia TP HCM vừa qua.
Việc này ông Nhân cho biết từ 8h tối 24/3 sẽ cấm việc tiếp tế (trừ thuốc men…) để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đại học Quốc gia TP HCM là nơi cung ứng đến 80% trong tổng số 21.5000 giường cách ly nên TP cần phải có ứng xử hợp lý, cần ký kết thoả thuận với Đại học Quốc gia TP HCM về công tác hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng trực gác xung quanh, đảm bảo người lạ không vào được bởi lực lượng của Đại học Quốc gia TP HCM sẽ không đủ.
Việc tiếp tế cho người bị cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM sẽ bị cấm từ tối 24/3. |
Hiện TP HCM đã tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, câu lạc bộ bida…từ 18h 24/3 và với những nơi đủ điều kiện mở cần phải đáp ứng yêu cầu về cự ly… Cần suy nghĩ về việc ngưng hoạt động xe buýt, các điểm đón khách du lịch…
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta đã xem đây là cuộc chiến không tiếng súng thì cần phải có ứng xử cho phù hợp. Về việc hành lễ của các tôn giáo, ông Nhân đề nghị Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ… tìm hiểu các mô hình của các nước bởi người dân ở TP vẫn còn đi nhà thờ, chùa… nhiều và đây có nguy cơ rất lớn.
Ngoài ra, Sở Y tế cần phải nghiên cứu các vấn đề để hạn chế nguy cơ lây lan như không bật hệ thống điều hoà, nghiên cứu chặn nguy cơ từ nguồn nước thải… ở các chung cư, toà nhà nơi có người nhiễm. Cần phát hiện sớm, phát hiện đủ người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly kịp thời và đầy đủ, phân tầng, phát huy cách ly gia đình… bởi dồn hết TP là vỡ và không cần thiết. Khoanh vùng dập dịch hợp lý và triệt để, phát huy hiệu quả của truyền thông.
UBND TP HCM cần phải có tầm nhìn xa, dự báo sớm tình hình dịch, tình hình sản xuất kinh doanh, biến đổi khí hậu không để thiên tai chồng lên dịch, dự báo về các lực lượng chống phá lợi dụng dịch… Về vấn đề khẩu trang, ông Nhân yêu cầu lãnh đạo quận huyện phường xã phải nắm rõ nhu cầu người dân, khảo sát công khai nhu cầu người dân để có thể cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong 2 tuần tới.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong 2 tuần quyết định sắp tới, nếu tất cả cùng đồng lòng, khổ trước thì sẽ sướng sau, sẽ cùng với cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
"Trong 2 tuần tới TP phải sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn… để góp phần cùng cả nước trong yêu cầu mới, góp phần cùng cả nước không để quá 500 bệnh nhân trong 2 tuần tới. Càng cách xa ngưỡng 1.000 ca càng tốt.
Ở đây không ai có kinh nghiệm chống dịch quy mô này cả nên mỗi người phải góp sức, tinh thần phải học tập kinh nghiệm các nước, khó khăn mấy cũng không bế tắc. Dự báo tốt thì không bế tắc, nếu dự báo không tốt, chủ quan, người dân không chủ động thì sẽ bế tắc, bất lợi lâu dài" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cũng đề xuất các quận, huyện cần rà soát các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh từ 8/3 tự cách ly tại nhà, giao UBND phường xã khẩn trương thành lập tổ công tác phối hợp đến từng nhà lập danh sách để tổ chức xét nghiệm tất cả, đánh giá nguy cơ để có thể đưa đi cách ly tập trung.
Bây giờ phải xét nghiệm trên diện rộng để kịp thời cách ly. Hiện nay TP có 17 triệu khẩu trang, đã bán 8 triệu khẩu trang và TP khẳng định không thiếu khẩu trang chỉ là do cách phân phối nên cần phải làm thông suốt. Lãnh đạo các quận, huyện cần phải nắm rõ nhu cầu của người dân để có kênh cung ứng kịp thời. Đặc biệt, các trường Đại học, cao đẳng có trên địa bàn phải cho sinh viên rời khỏi KTX để tránh nguy cơ hình thành ổ dịch./.
Ảnh: Mướt mồ hôi nhận đồ tiếp tế chuyển cho người cách ly ở TPHCM