Hiện nay, khu vực Nam bộ đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa. Qua những trận mưa lớn trong mấy ngày qua, gần 20 điểm thường xuyên ngập từ những năm trước đã không còn. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố lại xuất hiện một số điểm ngập mới. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh xung quanh nội dung này.PV: Qua những trận mưa to trong những ngày gần đây, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện thêm một số điểm ngập mới so với năm trước. Xin ông cho biết, vì sao có tình trạng này?
Ông Đỗ Tấn Long: Từ năm 2014 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh thi công một số công trình chống ngập. Tuy nhiên, vấn đề dẫn dòng không đảm bảo bởi vì thi công trong nội thị hơi chật hẹp.
Ví dụ như khu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm, khi chúng ta cải tạo tuyến kênh đó chúng ta phải chặn dòng. Vì vậy, một số khu vực xung quanh khi mưa lớn sẽ bị ngập. Đó là điều khiến bà con hiểu nhầm là chống ngập chỗ này lại ngập chỗ khác. Vấn đề thứ ha, với một số lượng lớn công trình chúng ta phải phân kỳ đầu tư. Ví dụ 100 tuyến đường chúng ta phải phân thành 5 năm. Vì vậy, một số tuyến đường năm nay chưa đầu tư được đợi đến năm sau mới đầu tư.
Những tuyến đường chưa làm kịp đó chắc chắn sẽ có sự khác biệt, khi có trận mưa lớn sẽ bị ngập. Chúng tôi rất mong bà con thông cảm. Những tuyến đường chưa được đầu tư theo phân kỳ sẽ đến lượt chứ không phải chống ngập chỗ này bị ngập chỗ khác.
PV:Được biết hiện nay còn hàng chục công trình chống ngập đang triển khai thực hiện ở 24 quận, huyện của thành phố. Trong đó, một số công trình bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Vậy xin ông cho biết, việc chậm tiến độ của các dự án này có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thoát nước chậm, gây ngập úng cho thành phố hay không?
Ông Đỗ Tấn Long: Khi chúng ta thực hiện các công trình chống ngập, đặc biệt trong khu nội thị, mặt bằng thi công rất nhỏ hẹp. Chúng ta phải dành đường cho giao thông hay những lĩnh vực khác, hoặc là phải thay đổi vị trí của các công trình phụ mới thực hiện được các công trình thoát nước. Vì vậy, thời gian có bị vướng và kéo dài.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, khi chúng ta cải tạo một tuyến kênh hoặc một tuyến cống bị vướng rất nhiều nhà dân. Việc đền bù giải tỏa thường kéo dài, làm cho công trình không thể thi công được nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm. Sắp tới, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập theo đúng tiến độ đề ra.
PV:Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm gì để khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do ngập úng gây ra trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Đỗ Tấn Long: Chương trình giảm ngập nước là một trong sáu chương trình trọng điểm của thành phố. Thành phố đang thực hiện 6 nhóm giải pháp và nhiệm vụ chính.
Những nhiệm vụ này được thực hiện bằng những giải pháp lâu dài và cấp bách để đảm bảo giảm ngập trước cho một số khu vực bị ngập nặng. Ngoài ra, để đáp ứng thoát nước đối với hệ thống cống hiện hữu và hệ thống kênh rạch hiện hữu trước tình hình biến đổi khí hậu thì thành phố Hồ Chí Minh đã quy hoạch hệ thống hơn 100 hồ điều tiết tập trung và phân tán để lắp đặt, hỗ trợ cho hệ thống cống thoát nước dọc các tuyến đê hiện hữu, hạn chế nước thủy triều đối với những vùng thấp.
Khi xảy ra những trận mưa cực đoan, hệ thống hồ điều tiết này sẽ giảm lượng nước quá tải.
Hiện nay, quy hoạch này đã có báo cáo cuối kỳ để trình duyệt trong năm nay và dự kiến triển khai trong năm 2016. Chúng tôi mong bà con tin tưởng rằng, công tác chống ngập đang được tiếp tục thực hiện và sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất để giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước cho thành phố.
PV: Xin cảm ơn ông!./.