Với mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2015 để cải tạo hệ thống kênh, rạch và xây dựng các công trình bờ bao dọc sông Sài Gòn, tình trạng ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được cải thiện rõ rệt.
Từ tháng 6 đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 10 trận mưa lớn. |
Thực tế đó đã chứng minh được tác dụng của những dự án bờ bao, cống thoát nước, van ngăn triều mới hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm. Đặc biệt, công trình cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm hoàn thành đã giải quyết tình trạng ngập úng cơ bản cho quận 6 và quận 11. Không chỉ chống ngập, các công trình này còn tạo thuận lợi về giao thông và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cho hàng trăm ngàn hộ dân vùng trũng, thấp của thành phố.
Ông Lại Tấn Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 8, Quận 6 cho biết: “Sau khi thực hiện công trình cải tạo kênh Tân Hóa – Lò gốm phường 8 đã nâng cấp 15 cụm hẻm và đã hoàn thành rồi. Ở đó, chúng tôi nâng cấp, lắp đặt cống mới để thoát nước có sự liên hoàn. Hiện nay chúng tôi còn 24 con hẻm và chúng tôi đang kiến nghị với UBND quận để tiếp tục nâng cấp trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Chúng tôi đang khẩn trương giải quyết cơ bản vấn đề ngập úng trong mùa mưa năm nay”.
Xác định chương trình chống ngập là một trong sáu chương trình trọng điểm, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác này. Chương trình chống ngập thực hiện với 6 nhóm giải pháp chính là: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; Thực hiện các giải pháp chống ngập và từng bước xóa các điểm ngập; Đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chống ngập trên địa bàn thành phố; Tăng cường công tác hợp tác, nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ công tác chống ngập. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác vận động nhân dân và giám sát các chương trình chống ngập trên địa bàn thành phố.
Trong số 32 dự án đê kè bằng cừ nhựa UPVC được Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hơn 900 tỷ đồng, dọc tuyến sông Sài Gòn ở Quận 12, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn thì đã có 19 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đang phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công 14 công trình còn lại, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết: Đây là những công trình đem lại điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống của bà con nên được bà con ở những nơi có dự án rất ủng hộ. Theo thiết kế hiện nay của chúng tôi, các dầm mũ, bờ kè bằng nhựa UPVC có thể chịu được mực nước lên đến 2,2m. Chính vì vậy, về độ ổn định, bền vững và chống triều cường ở khoảng 1,68m như hiện nay thì chúng tôi tin rằng không có gì trở ngại”.
Hiện nay, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai 11 công trình chống ngập trọng điểm. Ngoài ra, còn hàng chục công trình khác đang được thực hiện ở 24 quận, huyện của thành phố.
Theo số liệu của Hiệp hội Khoa học và Thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn 33 điểm ngập, giảm 17 điểm ngập so với năm ngoái. Trong đó, một số điểm ngập thường xuyên ở phường 28 (quận Bình Thạnh), một số điểm ở Quận 2, Quận 6, Quận 8 và quận Gò Vấp rất khó giải quyết vì thiếu vốn và khó giải phóng mặt bằng. Với đặc thù là vùng đất trũng, thường bị ngập úng khi triều cường dâng cao kết hợp với mưa to, UBND Quận 8 cũng đã đầu tư, xây dựng hàng chục trạm bơm và van ngăn triều để kết nối đồng bộ với các công trình chống ngập của thành phố.
Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết: “Địa bàn quận 8 là địa bàn kéo dài và bị chia cắt bởi nhiều kênh, rạch. Hạ tầng của quận 8 thời gian vừa qua cũng đã được đầu tư nhiều nhưng vẫn chưa đồng bộ. Diện tích đất tự nhiên của quận 8 thì trũng và thấp. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi còn phải đầu tư khá nhiều. Chẳng hạn như chúng tôi đang đề xuất để đầu tư 11 cụm hẻm để làm sao việc chống ngập đồng bộ hơn”.
Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống sông, kênh, rạch ở 4 trục tiêu chính là trục kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khi xây dựng chương trình chống ngập thì Trung tâm đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng đồng bộ giữa giải pháp phi công trình và giải pháp công trình để làm sao tiến tới chống ngập bền vững được trong một thời gian dài chứ không phải thực hiện các công trình được vài năm rồi phải làm lại. Công tác chống ngập là phải nằm trong quy hoạch chung của thành phố và phải làm từng bước chứ chúng ta không nên thấy ngập ở chỗ nào chống ở chỗ đó”.
Để ngăn, thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh đang quy hoạch khoảng 100 hồ điều tiết phân tán trên toàn thành phố. Đề án này dự kiến sẽ triển khai vào năm 2016. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường hợp tác với các nước là Hà Lan và Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những biện pháp chống ngập hiệu quả hơn trong thời gian tới./.