Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu về phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước, khu vực tập trung đông dân cư. Tuy nhiên, do cốt nền thấp, kết cấu hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng được yêu cầu nên thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp bị ngập úng khi mưa lớn, triều cường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai thực hiện các Quy hoạch, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng.
TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600 km cống thoát nước, 60 km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, triển khai xây dựng một số Nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa, đã góp phần giảm ngập úng do mưa tại 62 điểm ngập (từ 95 còn 33 điểm ngập).
TPHCM ngập lụt do triều cường |
Tuy nhiên, việc thực hiện các Quy hoạch còn rất chậm do thiếu nguồn vốn đầu tư, khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng, nhất là Quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng, nên tình trạng ngập úng do triều cường chậm được khắc phục (đến nay so với yêu cầu đặt ra mới cải tạo được 43% hệ thống cống thoát nước, 12% kênh rạch, xây dựng được 1/10 cống kiểm soát triều).
Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời gian gần đây mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, nguy cơ ngập úng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ ngày càng tăng nếu không sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ, kịp thời (theo thống kê từ năm 2013 đỉnh triều cường tại Phú An đã đạt mức lịch sử 1,68m, từ năm 2011 đến 2014 đã xuất hiện 76 lần đỉnh triều cao trên 1,5m, trong khi 63,5% diện tích Thành phố có cao độ dưới 1,5m nên tần suất ngập úng khi triều cường tăng nhanh).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc chống ngập úng TP. Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp thiết, Đảng bộ, chính quyền Thành phố cần coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố để tập trung giải quyết tạo chuyển biến căn bản, rõ rệt trong nhiệm kỳ tới, trong đó trước hết phải tập trung khắc phục ngập úng tại khu vực trung tâm Thành phố.
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập úng, TP. Hồ Chí Minh cần quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bảo vệ các hồ điều hòa và các vùng chứa nước hiện có, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ điều hòa để chủ động trữ nước, giảm ngập; nạo vét, giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh, rạch để tiêu thoát nước nhanh, giảm thời gian ngập úng khi mưa lớn. Tăng cường quản lý, tiến tới hạn chế việc khai thác nước ngầm tránh nguy cơ sụt lún.
Các Bộ, ngành và UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp, tập trung giải quyết nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án thuộc các quy hoạch thoát nước và chống ngập úng; huy động các nguồn vốn từ ngân sách thành phố, ODA, PPP, quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý kế hoạch triển khai thực hiện các Quy hoạch thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh thời gian tới gồm 2 giai đoạn từ 2016 - 2020 và từ 2021 - 2025, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 tập trung giải quyết chống ngập tại vùng lõi trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung các cống Phú Định và Cây Khô vào Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh để kiểm soát triều, phát huy hiệu quả chống ngập đối với vùng Nam Sài Gòn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung giải pháp chống ngập đối với phần diện tích còn lại trong quy hoạch chống ngập úng./.