Liên quan đến vụ tai nạn điện giật khiến hai học sinh bị tử vong tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nhiều ý kiến cho rằng do vụ việc có 2 người tử vong nên cần khởi tố vụ án để xem xét làm rõ trách nhiệm.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ tai nạn điện là do thiên tai, sét đánh gây đứt rời đường dây điện, rơi xuống đất, khiến 2 học sinh tử vong và 4 học sinh khác bị thương.

Theo Luật sư Thạch Thảo, Đoàn luật sư TP HCM, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phải khởi tố điều tra để làm rõ nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.

dien_giat_yuic.jpg
 2 học sinh tử vong tại chỗ, có 4 em bị thương (trong đó có 2 em nguy kịch). Ảnh: Thanh Phong.
Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây ra cái chết của 2 học sinh có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về cung ứng điện” quy định ở điều 199 Bộ luật hình sự năm 2015, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào có trách nhiệm trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng gây chết người bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm; nếu làm chết 2 người có thể phạt từ 3 đến 5 năm.

Luật sư Thạch Thảo cho biết: "Trong trường hợp này nếu như cơ quan điều tra xác định được cá nhân được giao phụ trách thời điểm đó thiếu trách nhiệm, thì người này phải chịu trách nhiệm và có thể bị khởi tố nếu có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây ra hiệu quả này. Còn về trách nhiệm dân sự thì công ty điện lực Châu Thành, Long An phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về tính mạng sức khỏe cho các nạn nhân trong vụ án này".

Nhiều người dân bức xúc cho rằng việc khởi tố là cần thiết để làm rõ trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện, bảo quản đường dây, trách nhiệm kíp trực xử lý kỹ thuật vào thời điểm khi đường dây bị sự cố... Từ vụ việc tại Long An và một số sự cố bị điện giật tại một số tỉnh khác như Tiền Giang, Cần Thơ ... xảy ra gần đây cho thấy việc quản lý, bảo quản, bảo trì đường dây điện tại một số địa phương chưa thật sự nghiêm túc, dẫn đến một số vụ tai nạn rò rỉ điện. Công tác ứng cứu kịp thời và xử lý xử cố vẫn chưa được thực hiện một cách kịp thời kịp thời và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Anh Lê Vĩnh Toàn, một người dân ở quận Tân Bình, TP HCM nêu ý kiến: "Khi biết vụ việc tôi rất là bức xúc và đau lòng. Qua vụ này tôi thấy là hệ thống lưới điện không đảm bảo an toàn, ngành điện đã thiếu trách nhiệm trong thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là trong mùa mưa này nên cần phải khởi tố vụ việc để không xảy ra những vụ việc tương tự như trên, và người dân cũng an tâm hơn".

Trong xu thế ngành điện đang nỗ lực hiện đại hóa hệ thống lưới điện, nhiều địa phương đã và đang tiến hành ngầm hóa lưới điện và nâng cao các quy chuẩn an toàn đối với cả hệ thống điện đô thị và lưới điện lộ thiên, thì những sự cố đáng tiếc vừa xảy ra đã gây ít nhiều sự bất an đối với người dân, nhất là vào mùa mưa bão, triều cường, ngập nước... Do đó việc nâng cao trách nhiệm an toàn về điện rất cần được ngành điện quan tâm hơn nữa để tránh những hệ lụy đáng tiếc./.