Trong ngày5/3 đã có hơn 10 cháu học sinh đến lớp bình thường. Đây là các cháu có biểu hiện ngộ độc nhẹ và được điều trị tại trung tâm y tế thành phố Chí Linh. Đối với 32 trường hợp có dấu hiệu nặng hơn đã được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương từ ngày 4/3 đã được cấp cứu kịp thời và sức khỏe có tiến triển tốt. Tuy nhiên đến trưa nay bệnh viện đã tiếp nhận thêm 1 cháu học sinh có biểu hiện đau bụng để kiểm tra.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hoàn, Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc bệnh viên Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết:"Cho đến thời điểm này các cháu học sinh đều cơ bản được an toàn ". |
Có 6 trường hợp được đánh giá nặng hơn cả đã được theo dõi, kiểm tra tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Các cháu nhẹ hơn đã được đưa sang các khoa khác như khoa Khoa Nội, Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm. Cho đến thời điểm này sức khỏe của tất cả các cháu đều đã được ổn định.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hoàn, Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc cho biết: "Đến thời điểm này cơ bản các cháu được an toàn, ăn chơi ngủ nghỉ bình thường, không có dấu hiệu gì đặc biệt khác. Không có cháu nào có bằng chứng tổn thương nặng ở niêm mạc, miệng họng, một số cháu kêu đau bụng thì thường có liên quan đến bệnh lý dạ dày trước đó của các cháu. Chúng tôi đã cho kiểm tra và cơ bản không có tổn thương gì cả".
Chị Nguyễn Thị Khánh, mẹ của cháu Nguyễn Văn Quyết, học sinh lớp 5B là trường hợp đầu tiên được phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cho hay: "Từ khi nhập viện, cháu được thầy cô giáo quan tâm chăm sóc, và cả các cơ quan từ thành phố đến thăm, cháu giờ đã đỡ hơn".
Chị Nguyễn Thị Khánh, mẹ của cháu Nguyễn Văn Quyết cho biết hiện sức khỏe của con đã ổn định. |
Tiến sỹ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết thêm, cho đến chiều nay, có khoảng 1/3 trong số các bệnh nhân đã được xuất viện và sức khỏe các cháu học sinh đều có tiến triển tốt. Đồng thời, qua đây ông cũng lưu ý các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho các cháu, nhất là với các cháu lứa tuổi mầm non, tiểu học.
"Chúng tôi cũng đã cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc như vậy, có nhiều nguyên nhân khác như chai lavie đựng nước tẩy rửa, nước xà phòng...
Lời khuyên của chúng tôi cho các gia đình và các trường học là vật dụng, đồ dùng những gì ảnh hưởng sức khỏe không nên để trong tầm với của các cháu, để gọn gàng và nên cho vào tủ khóa lại. Và khuyến cáo các cháu là không ăn những gì mình không biết để tránh tình trạng tương tự như vậy", TS Lê Quang Đức nói.
Như VOV đã đưa tin, sáng 4/3, tại Trường Tiểu học xã Bắc An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong giờ ra chơi, một học sinh đã lấy các gói thuốc thông bồn cầu lấy được trong trường ra và chia cho nhiều bạn khác cùng ăn. Hậu quả là có 46 học sinh đã phải nhập viện do có các biểu hiện ngộ độc. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc./.
Hơn 40 học sinh tiểu học nhập viện do ăn nhầm bột thông bồn cầu
Điều tra vụ 3 trẻ mầm non ăn nhầm bột thông bồn cầu phải nhập viện
Hơn 3.000 ca ngộ độc rượu và ngộ độc thức ăn trong kỳ nghỉ Tết
Ngộ độc thuốc tê, người phụ nữ 64 tuổi suýt mất mạng