Để đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế và tăng cường khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, nhiều trạm y tế xã tại tỉnh Bắc Kạn đã được cấp nhiều thiết bị hiện đại.

vov_thiet_bi_y_te_3_btpd.jpg
Máy siêu âm thỉnh thoảng vẫn phải cắm nguồn vào để đỡ...hỏng.

Tuy nhiên, đến nay phần lớn những máy móc này không phát huy tác dụng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, gây ra sự lãng phí đáng tiếc.
3 năm trước, trạm y tế xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn được cấp một máy siêu âm xách tay trị giá 137 triệu đồng và một máy điện tim gần 30 triệu đồng. Thế nhưng đến nay, những thiết bị này chưa một lần được sử dụng để khám và điều trị cho người bệnh.
Y sỹ Triệu Thị Bé, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Công Bằng cho biết: “Hằng ngày trạm có lau chùi, thi thoảng cắm điện vào thiết bị điện tử đỡ hỏng hóc, mỗi lần có bệnh nhân nghi ngờ đau bụng chưa rõ nguyên nhân hay phụ nữ có thai cũng chỉ chuyển lên tuyến huyện làm xét nghiệm, siêu âm”.
Đó cũng là một nghịch lý đang diễn ra tại nhiều trạm y tế xã của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2015, để các trạm Y tế đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế và tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến cơ sở, nhiều trạm Y tế xã tại Bắc Kạn được đầu tư thiết bị có giá trị từ Dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở mộ số tỉnh trọng điểm” của Bộ Y tế.
Tổng cộng đã có 15 máy siêu âm đen trắng xách tay, 17 máy điện tim 3 cần và 12 máy xét nghiệm nước tiểu được trang bị cho y tế cơ sở. Vào thời điểm được trang bị, một chiếc máy siêu âm cùng thiết bị đi kèm có giá gần 137 triệu đồng, máy điện tim là 29,8 triệu đồng, máy xét nghiệm nước tiểu cũng gần 29 triệu đồng.
Bác sĩ Âu Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm nói: “Những trang thiết bị này được dự án cấp cho, nhưng hiện tại, các trạm không dùng đến là rất lãng phí. Nguyên nhân là do các bác sỹ đã được đào tạo hoặc đi đào tạo về lại chuyển công tác nên máy chưa hoạt động được”.
Bên cạnh thiếu nguồn nhân lực, một nguyên nhân khiến các thiết bị không thể sử dụng là nguồn quỹ dành cho chi trả bảo hiểm y tế tại cấp xã không thể đáp ứng nếu thanh toán cho việc sử dụng các loại thiết bị.
Bác sĩ Chu Thị Phương, Trạm trưởng trạm y tế xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm chia sẻ: “Vì trạm y tế xã còn vướng vào bảo hiểm, quỹ khám chữa bệnh của xã ít, 1 quý chỉ 36 triệu đồng, nên nếu mình còn siêu âm sẽ vỡ quỹ bảo hiểm”.

Hầu hết thiết bị y tế được trang bị rồi về... "đắp chiếu".
Bà Hoàng Thị Kiều, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết: việc trang cấp thiết bị dựa trên đăng ký của các trạm theo nhu cầu thực tế. Ngay khi Dự án được triển khai, Sở cũng đã tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho các bác sỹ về cách sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, với việc các cán bộ liên tục luân chuyển và nguồn quỹ bảo hiểm eo hẹp đã khiến cho hầu hết các thiết bị đều không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.
“Nếu muốn giải quyết vấn đề này, trước hết phải đào tạo con người để vừa có chứng chỉ, vừa có nơi thực hành. Thêm nữa, Sở Y tế cũng sẽ xem xét nơi nào đông dân hoặc xét các điểm cụm đưa các thiết bị này về để phát huy hết khả năng của cán bộ cũng như khai thác tài sản này”, bà Hoàng Thị Kiều thông tin thêm.
Phải khẳng định, chủ trương cấp, phát trang thiết bị y tế nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến cơ sở là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế ở Bắc Kạn, dường như việc đầu tư máy móc, thiết bị chỉ để đáp ứng tiêu chí “đạt chuẩn” mà chưa tính toán tới nguồn nhân lực cũng như cơ chế chính sách hiện hành. Điều này không những làm khó cho công tác khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, mà còn gây ra sự lãng phí tài sản một cách đáng tiếc./.