Mỗi lần nhìn tấm di ảnh của đứa con trai đầu mới 13 tuổi mới mất vì đuối nước, anh Nguyễn Văn Tình ở thôn 3, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại day dứt nỗi đau. Đã 3 tháng trôi qua nhưng vợ chồng anh Tình không thể nào quên được buổi chiều định mệnh ấy. Sau khi tan học cháu Nguyễn Xuân Trường, con của anh chị đã cùng nhóm bạn cùng lớp rủ nhau  đến hồ nước cách nhà gần 3km để tắm. Trong lúc tắm, không may Trường đã bị trượt chân xuống vũng nước sâu lại không có người ứng cứu kịp thời nên em đã bị đuối nước. Chỉ vì thiếu kỹ năng bơi lội và sự giám sát của người lớn, con trai anh đã ra đi vĩnh viễn.

vov_duoi_nuoc_kevc.jpg
Trẻ em vô tư tắm, vui đùa tại sông suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao.

Kể từ khi cháu trai qua đời vì tai nạn đuối nước, ông Lý Văn Kín ở thôn 22, xã Cư Bông, huyện Ea Kar vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Cứ nhìn bức di ảnh của cháu nội trên bàn thờ, ông Kín lại rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào không nói lên lời. Ông kể, để phục vụ nhu cầu tưới cho cây trồng, gia đình đã đào ao nhỏ ngay vườn nhà. Gia đình ông cũng đã chuẩn bị sẵn dây thép để rào xung quanh, nhưng chỉ vì một chút sơ sẩy mà thằng bé đã rơi xuống ao rồi xảy ra sự cớ đau lòng.

Một thực trạng dễ thấy hiện nay tại Đắk Lắk là rất nhiều trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS không biết bơi, bởi việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Để biết bơi, trẻ em ở thành thị sẽ được phụ huynh đưa đến các hồ bơi nhân tạo đăng ký học bơi dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Còn tại nông thôn - nơi thiếu vắng các hồ bơi nhân tạo, trẻ lại tự học bơi qua việc tiếp xúc với sông, suối mỗi ngày. Song, đi đôi với cơ hội luôn là những hiểm nguy rình rập dưới lòng sông, con suối khi không có người lớn đi kèm.

Chị Nguyễn Ngọc Đông Quỳnh, cán bộ phụ trách mảng trẻ em của Ủy ban nhân dân xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trẻ em vui chơi tại sông suối, song do thiếu điểm vui chơi, trẻ em lại hay hiếu kỳ với sông nước, thường tập trung đến những khu vực này để chơi, tắm, nên dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước.

“Hiện tại xã Hòa Phú có khoảng 4-5 hồ, thời gian bình thường các em đi học thì có nhà trường quản lý, nhưng mùa hè thì các em không có chỗ để vui chơi nên lại ra các hồ để tắm. Xã cũng có văn bản triển khai cho thôn buôn để rà soát lại tất cả các ao hồ liên quan đến trẻ em thường hay tắm để có biển báo nhưng mà các em gỡ ra hết", chị Quỳnh nói.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động thương  binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ  năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có đến 138 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước,  trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 17 trẻ tử vong do đuối nước.

Theo bà Lại Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước cả gián tiếp và trực tiếp; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em; Đồng thời kêu gọi toàn xã hội đẩy mạnh công tác phổ cập bơi cho trẻ em. 

“Chúng tôi đã đầu tư kinh phí xây dựng hơn 20 mô hình ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cấp tỉnh để từ đó cấp huyện, cấp xã  tiếp tục duy trì và nhân rộng. Bên cạnh đó chúng tôi chú trọng đến công tác dậy bơi cho các em, đặc biệt là kêu gọi các nguồn lực dạy bơi miễn phí. Trong năm 2019 tiếp tục triển khai dự án của Bộ Lao động thương binh xã hội tại 8 xã trọng điểm của huyện Ea Kar với nhiều nội dung như đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng bể bơi, dạy bơi an toàn hoặc là xây dựng môi trường sống an toàn. Kết quả đầu ra ít nhất là 1.200 trẻ em biết bơi", bà Loan cho biết.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay là một thực trạng đề  gây lo lắng cho toàn xã hội và nó đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn. Trong đó việc trang  bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước và tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên đuối nước./.