Dấu hiệu cá chết ở Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Người dân sống xung quanh hồ phản ánh, cá ngoi lên mặt nước đớp không khí nhiều bất thường. Trong khoảng thời gian đó, nhiều hộ dân tranh thủ đánh bắt cá về sử dụng. Nhưng sau khi nhận được cảnh báo từ Tp. Hà Nội, không còn hiện tượng trên.
vov_cuoc_song_nguoi_dan_ven_ho_tay_1_pyuf.jpg
Hệ thống sục khí lớn được lắp đặt.
Số lượng cá chết hàng loạt với số lượng lớn đã buộc các cơ quan chức năng của Hà Nội phải tiến hành vớt, dọn dẹp liên tục, trắng đêm trong 2 ngày 2-3/10. Sau 2 ngày đêm làm việc khẩn trương, đến ngày 4/10, trên mặt Hồ Tây chỉ còn lác đác một vài điểm có xác cá, mùi tanh nồng gây khó chịu cho người dân cũng đã giảm.
Hồ Tây được lắp hệ thống sục không khí nhằm cứu vãn số lượng cá còn sống. Theo thông báo trong cuộc họp, số lượng cá chết, được vớt và đem đi tiêu hủy là gần 200 tấn. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến cá chết là tầng nước mặt chỉ số oxy đo được bằng 0.

Trong những ngày dọn dẹp xác cá, vệ sinh, khử độc và các vấn đề phát sinh, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng lớn, bất tiện trong sinh hoạt. Đặc biệt những hộ kinh doanh quanh khu vực Hồ Tây phải đóng cửa vì mùi hôi nồng nặc từ xác cá và chất khử trùng.
Tuy nhiên, tròn 1 tuần sau sự cố trên, cuộc sống của người dân đã dần trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Các hàng quán đã mở cửa trở lại và có khách. Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, các hộ quanh khu vực chỉ cảm thấy bất tiện trong 2 ngày tổng lực dọn dẹp xác cá, nhất là vấn đề giao thông và không khí. Nhưng người dân cũng ghi nhận sự khẩn trương, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng trong quá trình khắc phục sự cố.
Hàng quán của các hộ kinh doanh, cuộc sống người dân trở lại nhịp hoạt động bình thường.
Trao đổi trên 1 số phương tiện truyền thông về việc làm rõ nguyên nhân khiến 200 tấn cá chết, các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ những cống nước thải xả trực tiếp ra hồ, và lớp bùn dày dưới đáy hồ. Được biết, hiện vẫn còn khoảng trên 30 cống nước thải vẫn xả trực tiếp xuống Hồ Tây./.