Các tòa nhà cao tầng ở trung tâm quận 1, dọc sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... đều bị che khuất bởi lớp sương mù trắng đục. 

suong_mu_lruu.jpg
Từ cầu Thủ Thiêm, các tòa nhà ở trung tâm TP HCM chìm trong lớp sương mù dày đặc. 

Chị Phương Thi, ngụ Thủ Đức đi đường Mai Chí Thọ hướng về trung tâm thành phố cho biết, chị không thể phân biệt được các tòa cao tầng. "Sương trắng trời, nhìn phía trước mù mịt như Đà Lạt đang sang mùa đông. Khoảng cách trên 500 m là mình không quan sát rõ nữa", chị này chia sẻ.

Lo lắng việc sương mù là do ô nhiễm, chị Đinh Huyền (quận Bình Thạnh) cẩn thận đeo khẩu trang, kính mắt cho con trước khi đưa đến trường. "Trời tiết Sài Gòn dạo này lạ quá, cứ mù mịt, âm u nên rất lo cho sức khỏe của gia đình, nhất là các cháu có sức đề kháng yếu", chị Huyền nói.

Sương mù xuất hiện dày đặc từ sáng sớm, đến khoảng 9h, sương tan dần khi trời hửng nắng. Đến trưa, sương mù gần như biến mất.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, hiện tượng sương mù bao phủ bầu trời TP HCM sáng nay là mù ướt do không khí lạnh khuếch tán. "Hơi nước trong không khí ngưng tụ, cộng với trời quang nên tạo nên hiện tượng này", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, kết quả từ các trạm quan trắc cho thấy hiện tượng mù khô do không khí ô nhiễm và ảnh hưởng của khói bụi từ cháy rừng Indonesia đã giảm sau ngày cao điểm 6/10. "Những cơn mưa liên tiếp trên diện rộng ở Nam Bộ đã làm mù khô chìm xuống và biến mất", ông Dũng cho biết.

Trước đó, từ ngày 5 đến 7/10, sương mù xuất hiện dày đặc ở TP HCM và các tỉnh Nam Bộ. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ xác định nguyên nhân mù khô vốn xuất hiện tại các thành phố lớn như TP HCM, Biên Hòa, Cần Thơ do ô nhiễm. Thêm nữa, nạn cháy rừng từ Indonesia khiến gió đưa khói bụi ảnh hưởng đến các quốc gia khác ở khu vực, trong đó có Việt Nam./.