Từ 0h ngày (28/3), tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các tổ tự quản cấp thôn, khu, xóm hoạt động suốt ngày đêm, kiểm soát chặt chẽ trong vòng 14 ngày đối với mọi công dân ra vào địa bàn; tạm dừng các tuyến xe khách liên tỉnh, giảm quy mô hoạt động các chợ... Hàng loạt các biện pháp quyết liệt được tỉnh Quảng Ninh áp dụng. Tại cấp cơ sở từ thôn, xóm đến xã, phường đều sẵn sàng các kịch bản ứng phó nếu dịch lây lan trên diện rộng ở nhiều cấp độ.

- Alo.... Hôm nay tổ dân có biến động người đi và đến không?

          - Không có bác ơi! Nếu có e sẽ báo bác ngay.

          - Nếu có thì kịp thời báo để tôi báo cáo lên phường nhé....”

Cứ 15h hằng ngày, ông Nguyễn Văn Cách, Bí thư chi bộ, khu trưởng khu phố 5, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long lại trao đổi với các tổ trưởng qua điện thoại để nắm tình hình tại 10 tổ dân cư. Đây là yêu cầu bắt buộc trong tình hình hiện nay và cũng là một phần trong kịch bản được khu phố xây dựng khi có ca bệnh dương tính với virus Sars-Cov-2. Theo kịch bản khi tình huống xảy ra, 10 tổ dân cư sẽ chia làm 3 cụm; Các chốt trạm ở các cửa ngõ ra vào cụm dân cư sẽ đảm bảo nội bất xuất, ngoại bất nhập. Lực lượng tham gia chốt chặn gồm ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ, bảo vệ dân phố và chịu trách nhiệm chính là các tổ trưởng tổ dân và Bí thư, khu trưởng khu phố.

0_02_06_d636a04b34ab36dd2b48dc2a41577a4cb268fa3e5b757f5eede0e19466eef699_dced9d90_gysr.jpg
Kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 có phân công nhiệm vụ rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, phù hợp với thực tế của khu phố.

Ông Nguyễn Văn Cách cho biết: “Nhận được sự chỉ đạo của UBND thành phố triển khai rộng rãi tới tất cả các khu phố, chúng tôi đã thành lập đội phòng chống Covid-19 của khu phố và xác đinh nguồn cung hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu gồm 186 con lợn, ước tính khoảng 8,3 tấn của 9 hộ chăn nuôi tại khu phố, thống kê những cửa hàng tạp hóa, bán gạo, mỳ tôm trên địa bàn khu... đáp ứng yêu cầu tại chỗ cho nhân dân. Chúng tôi cũng thống kê lực lượng y, bác sỹ đã về hưu nhưng còn sức khỏe và vận động họ tham gia chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ”.

Kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 có phân công nhiệm vụ rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, phù hợp với thực tế của khu phố. Những người cao tuổi có uy tín tại địa bàn cũng được huy động vào công tác chống dịch như chia sẻ bà Cao Thị Dâng, người dân tổ 67B, khu 5, Phường Cao Xanh.

Bà Cao Thị Dâng cho biết: “Tôi tuy 70 tuổi nhưng khi khu phố phân công nhiệm vụ, tôi luôn sẵn sàng. Khi kịch bản diễn ra tôi được phân công đi động viên người dân, tuyên truyền để nhân dân hiểu tác động của dịch bệnh và họ tự giác phòng tránh dịch bệnh. Chúng tôi rất là yên tâm với sự chuẩn bị phòng chống dịch bệnh như hiện nay.”

Việc chuẩn bị kịch bản ứng phó với dịch bệnh ngay cấp thôn, khu phố là bước chuẩn bị cần thiết về cả vật chất và tinh thần cho người dân khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay. Đây cũng là cách để tỉnh Quảng Ninh nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh ngay tại cấp cơ sở, từ đó củng cố năng lực ứng phó tình huống của cấp xã, phường, thành phố. Thiếu tá Vương Tùng Long, Trưởng Công an phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long cho biết ngành công an cũng có kịch bản riêng đảm bảo sự chủ động cả khi dịch bùng phát tại nhiều nơi ở cùng 1 thời điểm.

Nhiều lực lượng gồm ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ, bảo vệ dân phố... tham gia chốt kiểm soát theo kịch bản dịch bệnh bùng phát.
Thiếu tá Vương Tùng Long cho biết: “Riêng kịch bản của công an sẽ tập trung là đảm bảo an ninh trật tự và phong tỏa toàn bộ địa bàn phường khi dịch xuất hiện trên diện rộng tại phường Cao Xanh. Ngoài ra, Công an phường còn xác minh các trường hợp tiếp xúc gần là các F1, F2 để đưa đi cách ly. Chúng tôi cũng chủ động phối hợp  với công an thành phố huy động thêm lực lượng cùng ứng phó, tham gia các chốt chặn trên địa bàn phường”.

Thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo kịch bản số 2 với dự kiến 50 ca mắc, dù trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 ca bệnh đang được điều trị. Hiện các kịch bản ứng phó khi có 200 bệnh nhân, 300 bệnh nhân và nhiều nhất là 1.000 bệnh nhân xuất hiện cùng một lúc ở nhiều địa bàn trong tỉnh cũng được tính toán, chuẩn bị từ bảo đảm vật tư y tế, địa điểm cách ly đến cung ứng nhu yếu phẩm, đảm bảo an ninh trật tự. 2.800 cán bộ y tế tiếp tục được huy động để phối hợp với lực lượng y tế từ thôn, bản đến xã, phường rà soát, giám sát sức khỏe cho người dân đặc biệt là người cao tuổi có các bệnh lý nền. Trên tinh thần "phòng bệnh hơn chữa bệnh", Quảng Ninh tiếp tục dành 1.500 tỷ từ ngân sách để áp dụng các biện pháp hạn chế dịch lây nhiễm qua đường bộ, đường không, đường thủy với yếu tố then chốt là sự ủng hộ của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho hay: “Toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc. Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của từng người dân. Bởi nếu từng người dân không có ý thức và chưa có nhiều trách nhiệm thì chúng tôi sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Và những người đi về từ các nước có dịch,đi qua nước có dịch thì vui lòng khai báo để nhân viên y tế của chúng tôi đến tận nhà, giám sát và hỗ trợ để tránh mầm bệnh có thể xuất hiện và lây lan trong cộng đồng”.

Việc xây dựng những kịch bản chi tiết ứng phó từ cấp tỉnh, thành phố tới các đơn vị hành chính nhỏ nhất là việc làm cần thiết để chủ động ứng phó với dịch bệnh phát triển khó lường như hiện nay. Và để chiến thắng đại dịch thì quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận, ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh, vì sức khỏe chính mình, vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội./.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc