Ngày 5/5, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các mẫu phân tích về cá chết ở các tỉnh Bắc Trung bộ của bộ này đã có kết quả. "Chúng tôi đã gửi cho Bộ TN&TM, Bộ KH&CN. Các mẫu tất nhiên có cả kim loại nặng, còn về số lượng thế nào thì bộ không được công bố”- ông Tám nói.

Hiện việc truy tìm nguyên nhân cá chết có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia. Ông Vũ Văn Tám cho biết: Việc công bố nguyên nhân phải chính xác, minh bạch nên cần thời gian.

Theo ông Tám, thống kê từ các địa phương, số cá chết trôi nổi, dạt vào bờ khoảng 100 tấn. Số cá chết chìm dưới đáy không thống kê được. Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng đây là sự cố nghiêm trọng chưa có bao giờ.

Phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển

Ngư dân các xã bãi ngang ven biển Quảng Bình cho biết: Họ phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển từ bờ ra từ 1 đến 6 hải lí.

Ông Nguyễn Hơn, ngư dân ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết khi lặn xuống đáy biển, nơi có rạn san hô để bắt cá, thấy cá chết xếp lớp. Bên cạnh đó, rạn san hô bị phủ một lớp bùn đen kịt khác với ngày xưa. “Nhìn trên mặt biển thì thấy màu nước vẫn bình thường rứa đó, nhưng mà lặn xuống thì có màu vàng đục” - ông Hơn nói.

Ông Nguyễn Cần cũng ở xã Nhân Trạch, chuyên thả lưới bắt cá gần bờ cho biết, khi tấm lưới cũ của ông thả xuống đáy biển, sau đó kéo lên thì sạch bóng. “Lưới đánh ở vùng rạn thường rất bẩn, chỉ vài tháng là đen sì. Nhưng đợt này tui mà thả xuống, khi kéo lên lưới lại trắng tinh như mới mua. Tui nghi đáy biển có chất tẩy rửa” - ông Cần nói.

ca_chet_obnu.jpg
Tấm lưới cũ thành “mới” sau khi thả xuống đáy biển của ngư dân Quảng Bình.
Ngư dân các xã bãi ngang của Quảng Bình, từ Quảng Trạch vào đến Lệ Thủy cho biết, đáy biển có hiện tượng tương tự. Các vùng rạn san hô gần bờ từ 1 đến 6 hải lí, xác cua, xác cá, các loài giáp xác chết nằm la liệt, nhiều hơn lượng cá trôi dạt vào bờ.

Trước phản ánh của người dân, ngày 5/5, Sở TN&MT Quảng Bình đã có công văn đề nghị Bộ TN&MT vào cuộc./.