Sạt lở bờ sông, bờ biển những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và tác động trực tiếp đến sinh kế, tính mạng của hàng triệu người dân ở khu vực. Trước diễn biến của sạt lở, các địa phương và ngành chức năng đã tìm những giải pháp lâu dài để ứng phó.

vov_sat_lo_dbscl_1_zinn.jpg
Bình quân mỗi năm tỉnh Cà Mau mất khoảng 300ha đất ven biển.

Vùng ĐBSCL hiện có hơn 560 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 800km. Trong đó, sạt lở làm suy thoái diện tích rừng ngập mặn gần 29.000 ha.

Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt diễn ra với tốc độ nhanh trong những năm trở lại đây, nhiều nơi sạt lở vào sát các tuyến đê biển. Theo thống kê đã có khoảng 150km chiều dài bờ biển bị sạt lở, bình quân mỗi năm bờ biển của Cà Mau sẽ mất khoảng 300ha.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết: Tình hình sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 20-25m, có những điểm vào sâu hơn 50m. Tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó như sử dụng biện pháp kè, trong đó áp dụng kè ngầm tạo bãi để bẫy phù sa, bước đầu mang lại hiệu quả và đến nay tỉnh đã triển khai được 17km.

“Về chống sạt lở khắc phục rất hữu hiệu, bởi kè vừa cứng vừa mềm. Cứng ở đây là cứng bằng bê tông, mềm là do mình không chống lại sóng biển. Tức là cho sóng biển vượt qua đỉnh kè, bản thân của sóng sẽ giảm năng lượng. Và sóng biển rúc ngách qua khe đá sẽ tiêu hao năng lượng tại đó. Vì vậy, loại hình kè này rất thích nghi với thời tiết khắc nghiệt”, ông Nguyễn Long Hoai thông tin.

Còn tại tỉnh An Giang, từ năm 2002 đến nay đã có 51 khu vực cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài hơn 162km,  ảnh hưởng hơn 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.300 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh An Giang cho biết: Để ứng phó với sạt lở, tỉnh An Giang đã áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, giải pháp công trình chủ yếu xây kè, còn giải pháp phi công trình là di dời dân và trồng cây chắn sóng để hạn chế sạt lở.

Ông Lương Huy Khanh nói: “Đối với giải pháp sạt lở, trong thời gian tới nhờ các nhà khoa học nghiên cứu những giải pháp mới. Ngoài những giải pháp làm kè, cần những giải pháp nghiên cứu khoa học chỉnh trị dòng chảy hay một số giải pháp nữa. Để hạn chế tải trọng lên bờ sông, hạn chế sạt lở, không nên xây cất những nhà kiên cố, tải trọng nặng, ngoài ra, tiếp tục duy trì và không cho phát sinh mới trên bờ sông kênh, rạch”.

Tại tỉnh An Giang tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có 5.300 hộ dân phải di dời.

PGS – TS Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL giảm mạnh đã làm mất cân bằng cả hệ thống ven sông và ven biển.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát diễn ra ở nhiều nơi; hành lang sông chưa được quản một cách chặt chẽ, vẫn còn tình trạng xây dựng các công trình trên bờ sông và lưu lượng tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại đã làm cho tình trạng sạt lở trở lên trầm trọng.

Để hạn chế sạt lở ông Đinh Công Sản đề nghị cần đưa những giải pháp công trình và phi công vào thực hiện như khôi phục rừng ngập mặn và triển khai các giải pháp kè chắn sóng ở những khu vực quan trọng.

“Vấn đề khôi phục rừng ngập mặn đối với các loại cây, giống khác nhau thì cần phải tiếp tục nghiên cứu rồi ngăn cấm sự can thiệp của con người vào từng ngập mặn. Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng ngập mặn phía hạ du, từng bước hạn chế và tiến tới hạn chế khai thác cát và khai thác nước ngầm do sụt lún”, ông Đinh Công Sản thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng: Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp. Hệ thống giao thông gần sông và người dân có tập quán sống trên sông cộng với địa chất ở ĐBSCL yếu nên sạt lở sẽ càng mạnh và càng nguy hiểm.

Chính vì thế, các địa phương cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật, đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến bố trí lại khu dân cư.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: “Tổ chức lại dân cư là một việc rất khó, vì chúng ta không thể bố trí lại dân một cách cơ học được, phải gắn với sinh kế của người dân. Cho nên, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân và tìm mọi sáng kiến để thực hiện vấn đề này.

Tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với sạt lở như sử dụng biện pháp kè.

Còn về kinh phí chúng tôi thấy rằng đây là nhiệm vụ rất cấp bách, chúng ta phải bảo vệ vùng ĐBSCL. Chính phủ đã có Nghị quyết 120 rất quan trọng, đưa ra rất nhiều giải pháp tổng thể và đã giao cho các bộ, ngành các địa phương có giải pháp tổng hợp. Tôi nghĩ rằng, với những kinh phí hợp lý, Chính phủ sẽ cân đối để đảm bảo”.

Theo các chuyên gia, việc cấp bách hiện nay là các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung áp dụng các giải pháp đồng bộ như: Chỉnh trị dòng chảy, kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác cát và những tác động liên quan đến dòng chảy do phát triển kinh tế. Đồng thời, bố trí lại dân cư và gia cố những điểm sạt lở bờ sông, bờ biển để hạn chế tình trạng sạt lở đang diễn ra ở khu vực này./.